Tuần san

  


 

www.tinvui.org
bantreconggiao@yahoo.com                                                                        

 

TIN VUIFlowchart: Document: Số 
139
01/06/2008
        

 

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

 

 

 

NHƯ MỘT LỜI MỜI:

- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác

- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com

- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa

- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật IX Thường Niên A..

XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ..

TU ĐỨC..

Cầu nguyện cho chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh.

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI.

Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh.

Đại hội Truyền thông Công giáo Quốc tế.

Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa tại Đền Đức Mẹ Xa Sơn.

Thống kê mới của Tòa Thánh: Công Giáo Á Châu, Phi Châu tăng.

Tòa Thánh công bố chương trình chuyến tông du Úc Châu của ĐTC Biển Đức XVI.

Người Công giáo Nepal đề nghị kết hợp các thông điệp của Ðức Kitô và Ðức Phật để thiết lập hòa bình.

Thư Ngỏ của Ban Tổ Chức về Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010.

Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban tước vị Ðức Ông cho Cha Giuse Hoàng Minh Thắng, thuộc Giáo Phận Kontum, đang làm việc tại Ðài Phát Thanh Vatican, Roma, Italia.

Thông báo của Tòa Giám mục Long Xuyên về thánh lễ phong chức 19 tân linh mục.

THÁNH LỄ TẠ ƠN NHÂN DỊP 9 NĂM ĐƯỢC TẤN PHONG GIÁM MỤC VÀ PHONG CHỨC LINH MỤC..

Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Đức Tánh, Phan Thiết

Nên tin và giao việc cho giáo dân.

Nói truyện với LM Giuse Nguyễn Hữu An, chánh xứ Mẹ Vô Nhiễm, thuộc giáo phận Phan Thiết

Giáo xứ trên miền đất voi

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO..

Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh Tâm Chúa Giêsu và giáo dục kitô giáo trong gia đình.

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY CẦU NGUYỆN XIN ƠN THÁNH HOÁ LINH MỤC..

Nguồn ơn cứu chuộc.

LINH MỤC LÀ NHỊP CẦU GIỮA CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHÚA..

Bài Giảng Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục tại Mỹ Tho 20-05-2008.

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BẮC NINH..

TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC TỪ HÍP-RI, ÍT-RA-EN, DO-THÁI.

LẠY CHÚA, LẠY CHÚA..

ÔNG CHỦ..

SỐNG  CHỨNG  NHÂN..

AI KHÔN THÌ DẠI – AI DẠI LÀ KHÔN..

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH..

Giảng lễ Hôn Phối :

Đ Ô I Đ Ũ A..

ĐỌC SÁCH..

NHẢ DỎM NHÀ THẬT.

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật IX Thường Niên A

Mt 7, 21-27

"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'.

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn". Đó là lời Chúa

 

XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ


Đêm nọ vị mục sư đi đóng cửa nhà thờ bỗng thấy một cậu bé nằm ngủ trên hàng ghế chót. Ông đến đánh thức cậu dậy, mời cậu ra để ông đóng cửa nhà thờ. Cậu bé nài nỉ ông thương cho ngủ đỡ một đêm, nhưng ông dứt khoát từ chối. Thấy cậu cố van xin quá, ông gọi điện đến hai trung tâm, nhưng cả hai nơi đều từ chối vì hết chỗ. Thế là cậu bé phải lủi thủi đi vào đêm tối, mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu!...


Về đến phòng, vị mục sư bắt đầu đọc kinh tối và Kinh thánh như thường lệ. Hôm đó, ông đọc ngay dụ ngôn nói về người Samaritanô nhân hậu. Bỗng ông thấy cậu bé lúc nãy giống như người bị kẻ cướp, còn ông là một trong các tư tế bước qua một bên mà đi, không thương giúp người bị cướp…


Nhìn lại chính mình và tự vấn lương tâm, nhiều lúc chúng ta cũng đã hành động như vị mục sư trên đây. Chúng ta đã từng đọc và nghe Lời Chúa, nhưng hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả gì trong cuộc sống chúng ta.


Những ai nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì “giống như người dại xây nhà trên cát” (Lc 6,49). Cuộc đời này quá ngắn ngủi để chúng ta xây dựng khát vọng trường cửu của mình. Cần sáng suốt nhận định những gì chóng qua và những gì có giá trị vĩnh cửu. Phải lấy Lời Chúa làm khuôn vàng thước ngọc và nền tảng vững chắc cho cuộc sống như người xây nhà trên đá… (Theo “Sám hối và Canh Tân”).


1. “Ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành…”:


Chúa Giêsu dùng công việc xây nhà để diễn tả giá trị đích thực đời sống đạo của người tín hữu. Sống đạo cũng giống như xây nhà. Có người xây nhà trên nền bằng cát không vững, có người xây nhà trên nền bằng đá tảng rất vững vàng.


Người môn đệ đích thực xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng Thiên Chúa, không chỉ lắng nghe những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy mà còn thực thi những điều ấy trong đời sống của mình nữa. Có một số cách sống đạo, cần xét mình để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc hay không.

- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số người giáo dân theo cách này. Ngày Chúa nhật và những ngày lễ, nhà thờ đông người tham dự. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói “Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời”. Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.


- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình. Người ta có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Âm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần “khôn khéo” vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.


- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu nói về họ: “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá”.


Nhiều Kitô hữu nghĩ rằng khi họ đặt niềm tin vào Chúa thì giống như họ xây ngôi nhà của mình trên đá. Cuộc đời của họ sẽ an toàn. Nhưng rồi mọi chuyện không xảy ra như vậy. Họ gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác. Họ thất vọng. Ngôi nhà của họ đã được xây trên “đá” đức tin, nhưng tại sao nó vẫn sụp đổ? Thực ra, những người đó đã hiểu sai, ít là ở hai điểm:


- Cái nền đá vững chắc mà Chúa nói không phải là tin suông mà là một đức tin thể hiện ra bằng việc làm. Chúa nói rất rõ ràng “Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”; “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá”.

Chúa không hề hứa là ngôi nhà trên đá đó sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững. Nhờ đâu mà đứng vững? Nhờ sống thực hành Lời Chúa.


Một giáo dân thường biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống và làm biến đổi đời sống theo tinh thần Tin Mừng thì có giá trị hơn nhà thần học, nhà Thánh Kinh mà không sống Lời Chúa. Lời Chúa được trao ban cho mỗi người như căn nhà vững chắc trang hoàng lộng lẫy, con người có thể yên tâm nương mình trong đó. Dù căn nhà có đẹp đẽ lộng lẫy mấy đi nữa, nếu chỉ xây trên cát thì khi mưa lũ đến nó sẽ chẳng tránh khỏi sự sụp đổ. Thiên Chúa ban cho con người ngôi nhà Lời Chúa để che chở họ suốt cuộc đời lưu trú ở trần gian. Bổn phận của mỗi người là phải tạo nền móng cho căn nhà này. Xây dựng nền móng bằng cách thực hành Lời Ngài dạy, phải làm sao cho Lời Chúa đâm rễ sâu và thấm nhập trong đời sống hằng ngày.


Một đời sống đạo được kết hợp bằng những hiểu biết lý thuyết, được diễn tả bằng ngôn ngữ hoa mỹ, có thể đánh lừa được người khác, hoặc tự tạo cho bản thân một cảm giác an toàn giả tạo, nhưng nó sẽ rất nguy hiểm khi mưa lũ thử thách và bão táp bách hại kéo đến, thiệt hại tất sẽ nặng nề.


Sách Cách Ngôn viết: “Bão táp thổi qua, gian ác chẳng còn, nhưng người chính trực vững như nền vạn cổ” (Cn 10,25). Người chính trực là kẻ khôn ngoan đã xây nhà trên nền đá, mưa có đổ, nước có tràn, gió có thổi nhà vẫn không sập. Bởi thế, người khôn ngoan ở đây không có nghĩa là người hiểu biết, giỏi lý luận, có thể nói về Thiên Chúa một cách lưu loát. Nhưng người khôn ngoan phải là người luôn tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, họ đón nhận hạt giống từ kho tàng Kinh Thánh, từ bàn tiệc Phụng vụ Lời Chúa và đem cấy vào cuộc sống thực tế của chính họ cũng như của người anh em bên cạnh.


Lời Chúa vốn đã tốt đẹp bền vững, không cần con người phải chải chuốt tô điểm. Bổn phận của con người là phải liên kết Lời Chúa vào đời sống của mình. Chẳng một dịp nào mà con người có thể bỏ qua mà không áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu. Chẳng một câu hỏi nào mà không đòi hỏi có giải đáp đã nằm sẵn trong lời dạy của Đức Kitô.


Một đời sống đạo lý tưởng phải là lời lặp lại câu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.


2. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu…”.

Đây là tiêu chuẩn cho người môn đệ xét mình. Muốn đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn trong Nước Trời, không phải chỉ có một lòng tin lý thuyết mà đủ, cũng không phải chỉ nghĩ hay, nói giỏi, ngay cả cầu nguyện bằng những công thức đầy ý nghĩa mà cho rằng đã hoàn hảo. Nhưng nhất thiết phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là sống theo những điều Chúa Giêsu đã dạy. Điều này nhắc bảo chúng ta:


- Sống đạo không chỉ bằng lời nói: đọc kinh nhiều, hoặc bằng ý nghĩ hay: suy tưởng sâu xa, nhưng còn bằng việc làm nữa, biết chăm lo thực hành thánh ý Chúa để thánh hoá đời sống mỗi ngày.


- Lòng đạo đức đích thực không phải do những hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng do đời sống phù hợp với Tin Mừng của Chúa. - Muốn vào Nước Trời, cần phải nỗ lực và kiên trì sống tinh thần và giáo huấn của Chúa, chứ không được tự mãn vì những hình thức sống đạo bên ngoài.


- Học, đọc, suy niệm Lời Chúa chưa đủ, mà còn phải đem áp dụng vào đời sống những giáo huấn của Chúa nữa. Lạy Chúa, con đã được Chúa ban cho căn nhà Đức tin thật vững chắc và thật rực rỡ, đến nỗi con tưởng như thế là đủ cho con. Xin cho con luôn nhớ rằng, con còn có bổn phận xây nền móng cho căn nhà bằng cách thực hành Lời Chúa dạy, để dù có phải mưa sa nước lũ trong thử thách hoặc bão táp bách hại, ngôi nhà Đức Tin của con vẫn luôn được đứng vững trong Chúa. Amen.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

Cầu nguyện cho chuyến đi của Phái đoàn Tòa Thánh


Một mẩu tin đang được truyền đi trong Giáo Hội Việt Nam. Mẩu tin nhỏ. Cách truyền đi nhẹ. Đó là: Phái đoàn Toà Thánh Vatican sắp sang Việt Nam.


Tin đó đang khơi dậy nhiều dự đoán và nhiều hy vọng. Có nghĩa là phái đoàn đang được chờ đợi với nhiều thiện cảm.


Phần tôi, tôi đón chờ phái đoàn với tâm tình cầu nguyện. Xin phép cho tôi được chia sẻ tâm tình cầu nguyện ấy. Điều tôi cầu nguyện nhiều nhất cho chuyến đi này của phái đoàn Toà Thánh là: Đem lại cho người Việt Nam nói chung và cho người công giáo Việt Nam nói riêng một hướng đi nội tâm đúng đắn.


Trên đất nước Việt Nam hiện nay, người ta thấy chằng chịt những hướng đi khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau về cuộc đời, với những bậc thang khác nhau về các giá trị điều khiển lòng trí con người. Trước tình hình như vậy, rất nhiều người khao khát những nhắc nhở chân thành về một hướng đi nội tâm đúng đắn. Khao khát ấy thường đặt nơi những ai được Hội Thánh Chúa sai đi cách này cách khác. Hướng đi đó thế nào?


1/ Một hướng đi nội tâm sâu hơn những sinh hoạt tôn giáo thường thấy


Những sinh hoạt tôn giáo đang giữ một vai trò khá quan trọng hiện nay tại Việt Nam là: Đi lễ, hội họp, đóng góp, xây cất, đào tạo nhân sự, tổ chức hội đoàn, huấn luyện đại chúng, các việc từ thiện bác ái.


Những sinh hoạt đó có thực sự gây được một hướng đi nội tâm đúng đắn không? Thưa tuỳ đấy.


Xưa, Chúa Giêsu đã phán: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn Cha Thầy mà thôi" (Mt 7,21).


Biết được đâu là ý Chúa không phải dễ. Thực thi ý Chúa đã được biết càng không dễ dàng.


Xin đưa ra một ví dụ dễ thấy, đó là cử hành một thánh lễ, tham dự một thánh lễ, tổ chức một thánh lễ. Có trường hợp, sau thánh lễ, người ta cảm thấy gần lại Chúa. Có trường hợp sau thánh lễ, chỉ đọng lại sự mệt mỏi, bực mình và trống rỗng. Một phần lớn nguyên nhân là do có tinh thần cầu nguyện và tìm sáng danh Chúa thực sự, hay nặng về tinh thần thế tục, tìm lợi ích riêng tư. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào những sinh hoạt tôn giáo bề ngoài để tìm ra hướng đi nội tâm cho con người, thì sẽ dễ lầm.


2/ Một hướng đi nội tâm rộng hơn những thao thức cục bộ


Xưa, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: "Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này, giờ của những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế" (Ga 4,21-23).


Lời Chúa phán trên đây đã giúp Hội Thánh đón nhận rộng rãi những người thiện chí và có khả năng. Tuy nhiên, tinh thần cục bộ vẫn còn. Tại Việt Nam, tinh thần cục bộ còn được nhận thấy một cách khá rõ, ở sự nhiều người vẫn câu nệ vào nhãn hiệu và gốc gác. Kinh nghiệm cho thấy có những người tốt, lợi cho Nước Chúa đã bị loại trừ. Lý do vì không cùng gốc gác và nhãn hiệu như một số người cục bộ đòi hỏi.

Tinh thần cục bộ có thể ví như một chiếc gai lẩn trong áo người mặc. Gai nhỏ, nhưng đủ để gây nên những cơn đau và vết thương lâu dài.


Đã từ lâu rồi, tôi thấy, khi chọn nhân sự lãnh đạo, Toà Thánh thường quan tâm nhiều đến khả năng phân định của ứng viên. Với khả năng tự nhiên và với ơn Chúa, họ phân định được đâu là bóng tối, đâu là con đường từ bóng tối dẫn đến ánh sáng giải cứu cách tự nhiên và đâu là ánh sáng cứu độ siêu nhiên.


Những nhân sự như thế không bị bó buộc trong khuôn khổ cục bộ, mà phải cởi mở trong một cái nhìn rộng rãi, vừa mang tính cách trưởng thành tự nhiên, vừa được hướng dẫn bởi ơn Chúa Thánh Thần, dẫn về Đức Kitô.


3/ Một hướng đi nội tâm vượt qua những tự mãn nguy hiểm


Trong đời sống đạo thường xuất hiện nhiều thứ tự mãn. Tự mãn về trí thức, tự mãn về kinh nghiệm, tự mãn về thành công này nọ, tự mãn về tiền bạc, tự mãn về đạo đức. Người ta thích nghỉ ngơi trong cái tự mãn của mình. Cho dù tự mãn đó chỉ là ảo, chỉ là chủ quan hẹp hòi. Thế mới nguy cho sự nhận ra hướng đi nội tâm.


Một tình trạng đạo đức khá phổ thông được coi như dễ chấp nhận, nhưng thực sự lại là nguy hiểm, đó là tình trạng tầm thường. Tình trạng đó được nói đến trong sách Khải Huyền một cách rất nặng nề. Chúa phán: "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Ngươi nói: Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi. Nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng" (Kh 3,15-17).


Tôi thấy lời Chúa phán trên đây đang là thời sự của nhiều người, nhiều nơi tại Việt Nam. Thời sự đó coi như bình thường. Nhưng nó làm cho sự sống đạo dần dần trở thành máy móc, hình thức và cằn cỗi.


Một hướng đi nội tâm mở ra lý tưởng thánh thiện và truyền giáo đang được vạch ra bằng lý thuyết và nhất là bằng gương sáng. Nó cũng là một hy vọng, mà nhiều người thầm mong nơi Phái đoàn Toà Thánh.

Có lẽ ước vọng của tôi hơi nhiều, không hợp với mục đích thực tế của chuyến đi sắp tới của Phái đoàn Toà Thánh. Nhưng tôi vẫn đưa hy vọng đó vào tâm tình cầu nguyện. Biết đâu chuyến đi của Phái đoàn còn vượt quá những hy vọng trên đây của tôi.


Xin Chúa Thánh Thần cùng đi với Phái đoàn.

 

+ GM JB Bùi Tuần

Mục lục

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

 

VATICAN. Sáng 29-5-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 9 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh thuộc các nước Tanzania, Uganda, Liberia, Tchad, Bangladesh, Bạch Nga, Guinea, Sri Lanka và Nigeria. Nhân dịp này ngài kêu gọi chính phủ các nước thực thi công bằng.


Hiện nay có 175 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, nhưng có nhiều vị đại sứ không thường trú tại Roma vì kiêm nhiệm một sứ quán khác. Họ chỉ được ĐTC tiếp kiến chung khi đến trình quốc thư.


Trong diễn văn chào mừng các vị đại sứ mới, ĐTC đặc biệt nhắc đến nhu cầu cần thực thi công bằng trong đời sống quốc gia và quốc tế. Ngài nói: ”Biện pháp đầu tiên trong vấn đề chính trị là tìm kiếm công bằng, để phẩm giá và các quyền của mọi người người tôn trọng và để dân chúng của mỗi quốc gia có thể tham gia tài nguyên của đất nước.”


Cũng vậy trên bình diện quốc tế, ĐTC kêu gọi phân chia tài nguyên một cách tốt đẹp hơn, để các nước có các tài nguyên trong lòng đất được hưởng trước tiên. Ngài nhấn mạnh rằng: ”Các nước giàu không thể chiếm hữu cho mình những tất cả những gì từ lòng đất của các nước khác. Theo nghĩa vụ công bằng và liên đới, cộng đồng quốc tế phải cảnh giác về việc phân phối các tài nguyên, chú ý đến những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nước nghèo đang cần. Ngoài ra, cũng cần phát triển tình huynh đệ để xây dựng những xã hội hài hòa, trong đó có sự đồng thuận và hòa bình để giải quyết các vấn đề xảy ra, bằng đối thoại và thương thuyết, chứ không phải bằng bạo lực, dưới bất kỳ hình thức nào, vì bạo lực chỉ gây thiệt hại cho những người yếu thế vào nghèo nhất”.


Ngoài diễn văn chung trên đây, ĐTC còn trao cho mỗi vị đại sứ một diễn văn riêng đề cập đến lập trường của Tòa Thánh về tình hình và các vấn đề nổi bật của quốc gia liên hệ, như nội chiến, sự lan tràn của bệnh HIV-Sida, nạn tội phạm, bắt cóc, giết người, cuộc chiến đấu chống nạn khủng bố, cổ võ hòa giải và tha thứ, tôn trọng tự do tôn giáo, v.v.


Trong số 9 vị tân đại sứ, có hai vị người Á châu. Trước hết là ông Tikiri Bandara Maduwegedera, người Sri Lanka. Trong sứ điệp trao cho vị này, ĐTC kêu gọi chính phủ và các lực lượng Hổ quân Tamil từ bỏ cái vòng bạo lực liên tục, chiến đấu chống nạn khủng bố, và mở lại các cuộc thương thuyết chân thành, thẳng thắn, vốn là con đường duy nhất chắc chắn để thực thi hòa giải và giải quyết các vấn đề cản trở sự sống chung hòa bình tại Sri Lanka. Sau cùng ĐTC cầu mong răng các vị lãnh đạo tại nước này chiến đấu chống lại tệ nạn tuyển mộ các trẻ em để thi hành các hoạt động khủng bố.


Vị đại sứ Á châu thứ hai là Dabapriya Bhattacharya thuộc Bangladesh. ĐTC kêu gọi nước này phát triển một nền văn hóa hòa bình và kiến tạo một nền dân chủ vững mạnh, chân chính, trong niềm tôn trọng phẩm giá và các quyền con người. Ngài cũng kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị Bangladesh mở đường cho một chính phủ vững, và cho sự sống chung hòa hợp, phát triển một hệ thống giáo dục vốn là nền tảng của các nền dân chủ”. (SD 29-5-2008)

 

 

Đại hội Truyền thông Công giáo Quốc tế

 

Bài phỏng vấn Linh mục Thomas Rosica về Những Đường Lối Mới để Truyền Giảng Tin Mừng trong một Thế Giới đã được“Truyền Thông Hóa”.


Toronto (Zenit) – Giáo hội có một sứ vụ phải rao truyền, và ngày nay sự thách đố đối với công tác đó là thực hiện sứ vụ này trong một thế giới được “truyền thông hóa”, đó là phát biểu của một thành viên trong ban tổ chức đại hội truyền thông 2008.


Linh mục Thomas Rosica, người Ba tây, giám đốc Cơ sở Truyền thông Công giáo và Đài Truyền hình Muối và Ánh sáng, nói thêm rằng Giáo hội cần “có mặt ngay tại hiện trường, dùng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến để rao truyền Lời Chúa và sứ điệp của Giáo hội.”


Đại hội truyền thông Công giáo quốc tế kéo dài ba ngày được tổ chức tại Toronto từ 27 đến 30 tháng 5, do các cơ quan sau đây đứng ra tổ chức: Hiệp hội Báo chí Công giáo Bắc Mỹ, Học viện Công giáo về Nghệ thuật Truyền thông Chuyên nghiệp, và Hiệp hội các nhà Truyền thông Công giáo Canada.

Chủ đề của đại hội là “Lên Mái Nhà Mà Rao Giảng”.

Logo của Đại hội Truyền thông Công giáo



Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Zenit, Cha Rosica bình luận về tương lai ngành truyền thông Công giáo và mối tương quan của ngành này với báo chí thế tục.


Câu hỏi: Tại sao lấy chủ đề là “Lên Mái Nhà Mà Rao Giảng”?


Linh mục Rosica: Chúng tôi đã chọn làm chủ đề năm nay cho Đại hội Truyền thông Công giáo là “Lên Mái Nhà Mà Rao Giảng”. Đó là linh hứng từ Kinh Thánh – Matthêu 10:27 – và cũng từ tông thư “Phát triển Nhanh chóng” của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.


Thực tế là nay Giáo hội phải lên tiếng nói với một xã hội có kỹ thuật cao, được “truyền thông hóa”. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Giáo hội phải có mặt trong “Areopagai” mới của thế giới – một thế giới đầy ứ với quá nhiều nền triết học, tư tưởng và hiện tượng tranh đua với nhau. Giáo hội phải có mặt ngay ở đó, tại hiện trường, dùng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến để rao truyền Lời Chúa và sứ điệp của Giáo hội.”


Câu hỏi: Cha muốn thấy những phát triển mới nào trong ngành báo chí Công giáo được nhấn mạnh trong đại hội này? Kết quả ra sao?


Linh mục Rosica: Đại hội truyền thông Công giáo năm 2008 tổ chức được là do sự cộng tác hiếm hoi của một số thành phần trong thế giới thông tin. Thực vậy, sự cộng tác đã là yếu tố sinh động trong ngành truyền thông Công giáo Toronto từ nhiều năm qua. Hai phương diện độc đáo của Đại hội Toronto là: làm sao nuôi dưỡng được sự cộng tác tốt đẹp giữa mọi thành phần truyền thông Công giáo, và quan niệm coi công tác của chúng tôi là một phần trong sứ vụ “Tân Phúc âm hóa”.


Thứ đến là mối quan tâm của chúng tôi về tương lai, đặc biệt là làm cách nào để đến được với thế hệ kế tiếp và lôi kéo được giới trẻ tham gia vào sứ vụ truyền thông. Tuần lễ này là một bài học mạnh mẽ cho các nhà báo Công giáo Bắc Mỹ trong việc xây đắp những nhịp cầu bên trong và bên ngoài Giáo hội trong lúc chúng tôi học hỏi cách tường thuật các tin tức, làm chứng cho chân lý và tuyên xưng thông điệp của chúng tôi từ trên các mái nhà.


Câu hỏi: Đức giáo hoàng nói trong thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới tháng này “rằng tìm kiếm và trình bày chân lý về con người tạo ra ơn gọi truyền thông xã hội cao nhất.” Cái nhìn về vai trò của truyền thông như thế có đánh dấu sự khác biệt nòng cốt giữa các ký giả Công giáo và thế tục?


Linh mục Rosica: Các ký giả và nhà truyền thông Công giáo có nhiệm vụ và sứ mạng đặc biệt, không chỉ phục vụ Giáo hội mà còn dạy cho thế giới đi tìm chân lý và phục vụ chân lý.

 

Truyền thông thế tục thất bại khi chân lý, điều thiện hảo và phẩm giá của con người không nằm trong truyện họ tường thuật. Như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II – chính ngài là một chuyên gia và một bậc thầy về truyền thông – viết năm 2005, trong tông thư cuối cùng của ngài nhan đề “Sự Phát triển Nhanh chóng”:

“Công tác thông tin cả trong nội bộ cộng đồng Giáo hội lẫn giữa Giáo hội và thế giới, cần có sự cởi mở và một tiến trình mới hướng tới những vấn đề phải đối đầu liên quan đến thế giới truyền thông.


“Công tác thông tin này phải hướng về cuộc đối thoại xây dựng, nhằm thúc đẩy ý kiến chung, đã được thông truyền chính xác và biện biệt, trong phạm vi cộng đồng Kitô hữu.”


Các ký giả và nhà truyền thông tốt phải quan tâm về sự thật, điều tốt, vẻ đẹp và niềm hy vọng, ngay cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất.


Câu hỏi: Giới truyền thông Công giáo có thể làm gì để cho sứ điệp của Tin Mừng được nhiều người biết đến?

Linh mục Rosica: Tôi đã học được một số bài học mạnh mẽ khi phải đối phó với giới truyền thông trong suốt bao năm, nhất là qua các kinh nghiệm của Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Canada năm 2002, thời kỳ bệnh hoạn và cái chết của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, và công việc của tôi tại Đài Truyền hình Muối và Ánh Sáng, cũng như sự cộng tác của chúng tôi với giới truyền thông “thế tục”.


Phỉ báng giới truyền thông, ngăn chận và không trả lời những cú điện thoại dai dẳng của phóng viên này, nhà sản xuất kia, biên tập viên nọ, không phải là việc làm thoả đáng đối với các viên chức, nhà lãnh đạo và các thành viên Giáo hội. Đó là tính cách của thú vật. Nếu không có gì hết thì họ đâu gọi đó là tin tức hàng đầu.


Cũng chẳng phải là điều thỏa đáng đối với giới truyền thông “thế tục” nào không thèm đếm xỉa hoặc đặt ra ngoài lề các vấn đề của Giáo hội, của tôn giáo, coi đó là những vấn đề tầm thường không đáng suy tư nghiêm chỉnh. Chúng ta phải học hỏi lẫn nhau, và chúng ta có nhiều việc tốt phải cùng làm với nhau để phục vụ chân lý và chuẩn mực trong một thế giới càng ngày càng trở nên thiếu vắng giá trị, đức độ và ý nghĩa.

Nhiều lần trong Giáo hội, những chuyện chúng ta tường thuật chẳng thành chuyện vì thiếu các yếu tố cần thiết. Nói theo ngôn ngữ của Tin Mừng thì làm sao chúng ta, trên cõi đời này, chuyển được ánh sáng từ dưới thùng gỗ đem đặt lên kệ đèn để mọi người trong nhà có thể thấy được? Làm cách nào chúng ta học hỏi được sự khác biệt giữa tin cũ và tin mới thích đáng – một câu chuyện thật đáng đem tường thuật cho thế giới biết?


Trong nghị trình cuộc đại hội 2008 của chúng tôi cũng nêu cao chủ đề của điều được gọi là thái độ thù địch của giới truyền thông “thế tục” đối với tôn giáo và Giáo hội. Sự thù nghịch này có thực hay chỉ là tưởng tượng? Phải làm gì để bắc những nhịp cầu? Đại hội sẽ giúp các nhân viên truyền thông Giáo hội học cách tường trình tin tức cho thế giới một cách thuyết phục, rõ rệt và dũng cảm.

 

Mục lục

Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa tại Đền Đức Mẹ Xa Sơn

 

Xa Sơn, Trung Quốc (AsiaNews) - Ít nhất đã có 2.500 người đã tham dự vào cuộc hành hương đến đền Đức Mẹ của Xa Sơn (Sheshan) nhân ngày Quốc tế Cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Do những ngăn trở do chính quyền địa phương đặt ra, chỉ có những người thuộc Giáo phận Thượng Hải mới được phép tham dự vào cuộc hành hương, mặc dù vậy, người Công Giáo thuộc giáo phận khác cũng có mặt không chỉ người thuộc Giáo Hội chính thức mà thuộc Giáo Hội thầm lặng cũng có mặt. Một tín hữu cho hay: “Với lòng sùng kính Đức Maria và để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, tất cả chúng tôi đã đến để họp nhau nơi đây”.


Cuộc hành hương đã trải qua một số giai đoạn. Vào sáng sớm, khoảng 8 giờ sáng đã có 7.000 tín hữu đặt chân lên đồi nơi đền Đức Mục tọa lạc. Họ đã leo lên đồi với tiếng chuông và âm thanh dàn nhạc của các chủng sinh. Với sự dẫn đầu của Đức Cha Phụ tá Joseph Xing Wenzhi của Thượng Hải, các linh mục, nữ tu, và các tín hữu đã dừng chân tại 3 trạm, đó là tượng đài Mẹ Thiên Chúa, tượng Thánh Giuse và tượng Thánh Tâm.


Tại mỗi trạm, Đức Giám Mục Xing nhấn mạnh đển giá trị của ngày này, trong đó “chúng ta khám phá ra rằnng Đức Maria bảo vệ Giáo Hội Trung Hoa như là ngài một lần nữa bảo vệ Con của ngài là Chúa Giêsu”. Đức Giám Mục cũng chúc lành cho một phiên bản tượng Đức Nữ Đồng Trinh của Xa Sơn do những người trẻ đặt bên trong đền. Trong suốt quá trình rước kiệu, các tín hữu đã hát và lần chuỗi Mân Côi.

Một tín hữu cho hay: “Cuộc hành hương này giống như là một biểu tượng của đời sống Giáo Hội Trung Hoa: Đức Mẹ Đồng Trinh, Đức Giám Mục, các Kitô hữu trong một hành trình rất nhiều ngõ khúc quanh co và những thời khắc tối tăm giữa những rừng cây và rừng tre.


Bên trong Vương Cung Thánh Đường chật cứng người, Cha Gao Chaopeng, một giảng viên của Chủng viện gần đó, có một bài giảng thuyết. Ngài chia sẻ mối quan tâm và tình yêu của Đức Thánh Cha cùng với tất cả các Kitô hữu trên thế giới đối với Giáo Hội Trung Hoa: “Chúng ta không đơn côi, nhưng có các thành viên của gia đình Giáo Hội hoàn vũ… Chúng ta dâng lên Đức Nữ trinh của Xa Sơn những nhọc nhằn của Giáo Hội Trung Hoa”. Ngài cũng mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn động đất ở Tứ Xuyên. Để kết thúc, các tín hữu cùng nhau đọc lời cầu nguyện do Đức Thánh Cha viết đã được giáo phận in ra.


Khoảng 10 giờ, Đức Giám Mục Xing cử hành Thánh Lễ cùng với sự hiện diện của Đức Giám Mục Jin Luxian. Có khoảng 100 linh mục đồng tế. Khi kết thúc Thánh Lễ, một lần nữa các tín hữu đọc kinh cầu nguyện của Đức Thánh Cha với Đức Mẹ Xa Sơn.


Một người Công Giáo thầm lặng cho biết: “Ngày 24/05/2008 mang một giá trị đặc biệt cho Giáo Hội Trung Quốc. Khi chúng ta cử hành Thánh lễ trọng thể Đức Mẹ Phù Hộ các Kitô hữu, chúng ta cũng canh tân sự hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội Hòa vũ và canh tân lòng trung thành của chúng ta với Đức Thánh Cha”

 

Thống kê mới của Tòa Thánh: Công Giáo Á Châu, Phi Châu tăng.

 

Vatican (VIS) - Nhà Xuất Bản Vatican đã phát hành phiên bản mới của cuốn Niên Giám Thông kê của Giáo Hội, trong đó gồm các thông tin về các khía cạnh chủ yếu trong hoạt động của Giáo Hội ở nhiều quốc gia khác nhau trong giai đoạn 2000-2006.


Trong quá trình 7 năm qua, Công Giáo đã hiện diện trên thế giới với con số ổn định vào khoảng 17,3 phần trăm trên tổng dân số. Ở Âu Châu, mặc dù có 25 phần trăm trên tổng số người Công Giáo sinh sống nơi này, nhưng mức độ tăng trưởng số tín hữu lại thấp hơn 1 phần trăm. Ở Mỹ Châu thì người Công Giáo tăng 8,4 phần trăm và Úc Châu tăng 7,6 phần trăm; Ở Á Châu thì vẫn giữ được sự tăng hoặc giảm ổn định tùy thuộc vào mức độ tăng dân số. Trong khi đó ở Phi Châu thì người Công Giáo tăng từ 130 triệu năm 2000 lên 158,3 triệu người năm 2006.


Số giám mục trên thế giới tăng từ 4.541 vị năm 2000 lên 4.898 vị năm 2006, mức tăng là 7,86 phần trăm.

Con số linh mục cũng tăng nhẹ trong giai đoạn 7 năm này, từ 405.178 vị năm 2000 lên 407.206 vị năm 2006, chỉ tăng khoảng 0,51 phần trăm. Ở Phi Châu và Á Châu thì tăng trưởng tương ứng là 23,24 phần trăm và 17,71 phần trăm, ở Mỹ Châu thì số linh mục ổn định, trong khi đó ở Âu Châu lại giảm 5,75 phần trăm và Úc Châu giảm 4,37 phần trăm.


Số linh mục triều tăng 2 phần trăm, từ 265.781 vị năm 2000 lên 271.091 vị năm 2006. Ngược lại, số linh mục dòng cho thấy sự sụt giám 2,31 phần trăm còn 136.000 vị vào năm 2006. Trên khắp các lục địa, chỉ có Âu Châu cho thấy sự sụt giảm rõ rệt về linh mục: vào năm 2000 Âu Châu chiếm 51 phần trăm trên toàn thế giới, trong khi đó năm 2006 chỉ còn chiếm 48 phần trăm. Mặt khác, Á Châu và Phi Châu cùng chiếm 17,5 phần trăm vào năm 2000 và tăng lên 21 phần trăm vào năm 2006. Mỹ châu vẫn ổn định với con số 30 phần trăm và Úc Châu thì hơn 1 phần trăm.


Số các tu sĩ (chưa được phong chức) là 55.057 vị năm 2000 và 55.107 vị năm 2006. So sánh dự liệu theo các lục địa thì Âu Châu giảm mạnh, giảm 12,01 phần trăm và Úc Châu cũng thế, giảm 16.83 phần trăm, trong khi Á Châu và Phi Châu tăng tương ứng là 30,63 và 8,13 phần trăm).


Số nữ tu hầu như gấp đôi số linh mục và gấp 14 lần các nam tu, nhưng con số lại suy giảm từ 800.000 vị năm 2000 xuống còn 750.000 vị năm 2006. Về phân bố theo địa lý, 42 phần trăm cư trú ở Âu Châu, 28,03 phần trăm ở Mỹ Châu và 20 phần trăm ở Á Châu. Con số nữ tu gia tăng sinh động nhất ở hai châu lục: Phi Châu tăng 15,45 phần trăm và Á Châu tăng 12,78 phần trăm.


Niên giám Thống kê của Giáo Hội cũng bao gồm các thông tin về số sinh viên triết học và thần học trong các chủng viện giáo phận và dòng tu. Trên toàn cầu, con số sinh viên tăng từ 110.583 năm 2000 lên hơn 115.000 năm 2006, mức tăng trưởng là 4,43 phần trăm.

Mục lục

 

Tòa Thánh công bố chương trình chuyến tông du Úc Châu của ĐTC Biển Đức XVI

 

Vatican- Thứ Sáu, ngày 30 tháng 05/08, Tòa Thánh công bố chương trình chi tiết chuyến tông du Úc của ĐTC nhân dịp mừng Ngày Thế Giới Trẻ, ngài sẽ bắt đầu đại hội này bằng vài ngày nghỉ ở Úc


ĐTC, 81 tuổi sẽ đến Darwin nằm ở miền bắc nước Úc vào Chúa Nhật ngày 13 tháng 07, nhưng ngài chỉ bằt đầu chuyến tông du chính thức của ngài vào thứ 5 ngày 17 tháng 07/08.


Sau chuyến tông du sáu ngày Hoa Kỳ cuối tháng 04 vừa rồi, các phóng viên theo ngài đưa tin nhận thấy những dấu hiệu mệt mỏi nơi ngài.


Tuy nhiên Tòa Thánh nhấn mạnh rằng trong chuyến tông du đó « dài và mệt », ĐTC đã thực hiện một cách xuất sắc mọi lời hứa « không thay đổi, hoặc giảm nhẹ chương trình của ngài, dù một chút cũng không », ngài đã chấm dứt những tin đồn trước đó về tình trạng sức khỏe của ngài ».


ĐTC sẽ gặp thủ tướng Úc Kevin Rud vào thứ năm ngày 17 tháng 07 tại thành phố Sydney trước khi các bạn trẻ tiếp đón ngài trong ngày lễ chào đón.


Thứ sáu, ngày 18, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị chưc sắc các tôn giáo tại vương cung thánh đường Ste Mary thành phố Sydney, tiếp theo sau là ngài dùng cơm trưa với giới trẻ.


Buổi chiều, ngài sẽ đi đường thánh giá chặng thứ nhất trước khi nghi thức tiếp tục được quay lên truyền hình, và trước khi gặp gỡ các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn.


Thứ bảy sau thánh lễ cùng với các giám mục Úc, ĐTC sẽ tham dự buổi canh thức với các bạn trẻ. Thời gian lớn trong chuyến tông du này sẽ là ngày Chúa Nhật bằng thánh lễ mừng Ngày Thế Giới Trẻ lần thứ 23 tại sân vận động đua ngựa ở thành phố Sydney trước khi ngài rời Úc trở về Roma ngày 21 tháng 07/08.

Các nhà tổ chức thông báo có khoảng 125.000 bạn trẻ đến từ các nước.


Sau khi chuyên tông du Úc, ĐTC sẽ đến Pháp từ ngay 12 đến 15 tháng 09 vào dịp mừng 150 năm Đức Trinh Nữ hiện ra ở Lộ Đức.

 

Mục lục

Người Công giáo Nepal đề nghị kết hợp các thông điệp của Ðức Kitô và Ðức Phật để thiết lập hòa bình.

 

Kathmandu (UCAN NP05048.1498 Ngày 23-5-2008) -- Một số thành viên phong trào Gia đình cùng theo Chúa (CFC -- Couples for Christ) nói rằng kết hợp giáo huấn của Ðức Kitô và Ðức Phật có thể mang lại hòa bình lâu dài cho Nepal nhân kỷ niệm 5 năm thành lập phong trào, diễn ra trùng với một ngày lễ của Phật giáo.

"Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, mà còn là một cách sống, một triết lý. Nó kết hợp rất hài hòa với giáo lý Kitô giáo", Steven Lama nói.

Ông phát biểu với UCA News đặc biệt là người Kitô hữu ở Nepal có thể kết hợp giáo huấn của Ðức Giêsu Kitô với giáo huấn hòa bình do Ðức Phật truyền bá để tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng. "Hiểu nhau sẽ tạo cầu nối giữa các tín ngưỡng khác nhau, và đường dẫn đến hòa bình xuất phát từ cầu nối đó", ông nói.

CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ), bắt nguồn từ Philippines, là phong trào quốc tế canh tân và xúc tiến các gia đình Kitô hữu.

Lama và những người khác đã nói chuyện với UCA News bên lề lễ kỷ niệm ngày thành lập CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ) tại Kathmandu hôm 20-5-2008, ngày Nepal kỷ niệm lần thứ 2,552 Buddha Jayanti (ngày kỷ niệm) kỷ niệm sinh nhật, giác ngộ và qua đời, hay vào cõi niết bàn, của Ðức Phật.

Ðức Phật Siddhartha Gautama là vị hoàng tử sinh tại Lumbini, thuộc Nepal ngày nay, cách Kathmandu 205 km về phía tây nam. Ngài từ bỏ hoàng gia đi tìm sự giác ngộ và hòa bình. Hiện nay Phật tử là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai ở Nepal, quốc gia đa số Ấn giáo.

Giống như Ðức Giêsu khoảng 500 năm sau đó, Ðức phật nhấn mạnh đến hòa bình. Một đoạn trong Dhammapada, một bộ sưu tập giáo huấn của ngài bằng tiếng Pali trước đây, nói: "Hận thù không bao giờ được giải quyết bằng hận thù. Hận thù chỉ được giải quyết bằng tình yêu (không hận thù). Ðây là một quy luật trường tồn". Chúa Giêsu nói, theo Thánh Mát thêu, "Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa".

Khoảng 120 người -- thành viên CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ) và gia đình họ -- đã tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ), gồm có Thánh lễ tại giáo xứ Ishalaya (nơi ở của Ðức Giêsu) ở Godavari, trên bờ nam thung lũng Kathmandu, và một cuộc picnic ở đó tại Trường Thánh Xaviê.

Josh Niraula nói với UCA News nền tảng của các giá trị Kitô giáo kết hợp với giáo huấn của Ðức phật sẽ trở thành bàn đạp tiến tới hòa bình lâu dài. "Nếu người ta tưởng nhớ cả ngày sinh của Ðức Phật lẫn đường lối mà ngài vạch ra, xã hội ngày nay sẽ tốt đẹp hơn".

Gyan Prakash Rai, đứng đầu hội CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ) Nepal, cho UCA News biết gia đình CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ), trực thuộc Giáo hội, được phúc cầu nguyện cho hòa bình nhân ngày kỷ niệm sự ra đời của Ðức Phật.

Linh mục George Kalapurackal của nhà thờ Mông Triệu, giáo xứ chính ở Kathmandu, nói với UCA News trong cuộc picnic rằng cần phải nhớ rằng Ðức Phật đã dạy nhân đạo là cách thiết lập hòa bình. Ngài nói ngày kỷ niệm sự ra đời của Ðức Phật là cơ hội lý tưởng để tất cả các Kitô hữu ở Nepal cầu cho hòa bình lâu dài.

Trong thập niên qua Nepal bị tàn phá bởi cuộc nổi loạn của các tay súng Maoist, làm hơn 11,000 người thiệt mạng cũng như gây ra bất ổn chính trị, bạo lực giáo phái và các cuộc phản đối chống chế độ quân chủ. Cuộc nổi loạn, bắt đầu năm 1996, kết thúc sau khi các tay súng Maoist ký hòa ước với chính phủ năm 2006, nhưng các hành động đe dọa, bắt cóc và bạo lực vẫn tiếp diễn.

Từ khi bắt đầu ở Nepal năm 2003, CFC (Phong trào Gia đình cùng theo Chúa -- CFC -- Couples for Christ) đã phát triển lên hơn 100 thành viên được chia thành bảy nhóm -- vợ chồng, vợ hoặc chồng, đàn ông và phụ nữ chưa lập gia đình và giới trẻ tuổi từ 12-21. Phong trào được thành lập ở Manila năm 1981, khi một cộng đoàn Kitô hữu địa phương thử nghiệm phương pháp mới trong truyền giáo cho các đôi vợ chồng muốn sống đời Kitô hữu trong quan hệ tích cực và hỗ trợ lẫn nhau.

Nepal có 28 triệu dân, trong đó 80% là người Ấn giáo, 4% Hồi giáo và đa số phần còn lại là người Phật giáo. Theo Niên giám Công giáo Nepal 2006, quốc gia này có một triệu Kitô hữu, trong đó có 7,500 người Công giáo.

 

UCA News

Mục lục

 

Thư Ngỏ của Ban Tổ Chức về Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010


THƯ NGỎ


Kính gởi các thành phần Dân Chúa Việt Nam, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân Việt Nam


Anh chị em thân mến,


1. Trong thời gian qua, tôi được HĐGM.VN giao trách nhiệm đứng đầu công tác Tổ chức Năm Thánh cùng Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010. Tôi thấy bước đầu trách nhiệm là chia sẻ và trao đổi với anh chị em vài suy nghĩ, nhằm cùng nhau tìm một hướng đi thống nhất trên cơ sở niềm tin yêu và hy vọng kitô giáo của chúng ta.


2. Trước tiên, giáo huấn của Công Đồng Vatican II soi sáng cho chúng ta thấy rằng không phải riêng tôi, song là tất cả mọi thành phần Dân Chúa VN, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham gia vào công việc xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên đất nước VN cũng như trên thế giới hôm nay, một thế giới vừa toàn cầu hoá vừa đầy bạo lực đối kháng.


Xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô, căn bản và trước hết là xây dựng một Giáo Hội hiệp thông ngày càng thân thiết với Chúa, với nhau, với xã hội loài người. Mục đích mọi người liên kết và hợp tác xây dựng là nhằm tạo nên một sức mạnh hữu hiệu hơn cho việc thi hành sứ vụ của Giáo Hội, là yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, cho sự sống mới, sự sống dồi dào của mọi người anh em trong xã hội đang chạy theo khuynh hướng thực dụng và hưởng thụ duy vật chất ngày nay.


3. Tổ chức Năm Thánh 2010 là cơ hội thuận lợi, là phương thế hữu hiệu cho mọi thành phần Dân Chúa VN trước tiên hiệp lực xây dựng ba mối tương quan hiệp thông với Chúa, với nhau, với xã hội loài người, trong gia đình cũng như trong cộng đoàn của mình. Xây dựng và củng cố bằng việc chuyên cần cầu nguyện, cùng nhau học hỏi và thi hành Lời Chúa nhằm giúp nhau phân định và tuân hành Thánh ý Chúa; bằng phát huy tình huynh đệ tương thân tương trợ, phát huy lòng quảng đại chia sẻ với người bất hạnh, túng thiếu, bị bỏ rơi, phát huy lòng từ bi bao dung đối với những ai bất đồng, bất hoà, thù nghịch với mình, phát huy tình liên đới và hiệp thông trong cộng đồng Dân Chúa VN sinh sống trên khắp năm châu ngày nay.


4. Với tư cách là mục tử, chúng tôi ước mong nghe được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em từ khắp mọi môi trường sống trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Mọi nghiên cứu, góp ý, đề xuất nhằm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội hiệp thông vì Tin Mừng và vì sự sống dồi dào của mọi người, đều được hoan nghênh và đón nhận.


Có thể gởi về địa chỉ e-mail của Ban Thư ký thường trực Tổ chức Năm Thánh 2010:

namthanh2010@gmail.com

Có thể tìm mọi thông tin liên hệ, trước tiên là Nội Quy Tổ chức Năm Thánh 2010 và biên bản phiên họp 8.4.2008 của Ban Tổ chức, nơi trang web của HĐGM.VN: http//www.v2.hdgmvietnam.org


5, Tôi ước mong anh chị em tích cực vận động mọi người, mọi thành phần cùng đồng hành, cùng chia sẻ, cùng góp ý xây dựng cộng đồng Dân Chúa VN ngày càng hiệp thông và hiệp nhất như lòng Chúa mong ước. Xin Chúa thương đồng hành, dẫn dắt, soi sáng mọi người bước đi trong đường lối yêu thương, hiệp nhất và bình an của Người.


Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành, ngày 13.4.2008


+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám Mục

Chủ Tịch UB Tổ chức Năm Thánh 2010

Mục lục

 

 


Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban tước vị Ðức Ông cho Cha Giuse Hoàng Minh Thắng, thuộc Giáo Phận Kontum, đang làm việc tại Ðài Phát Thanh Vatican, Roma, Italia.

 

Toà Giám Mục Kontum

56 Trần Hưng Ðạo - Kontum

Email abrahamvn@yahoo.ca

Số 60 /VT/08/Tgmkt

 

Kontum, ngày 25 tháng 05 năm 2008

 

Kính gửi:

Quý Cha cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa

Giáo Phận Kontum.

 

Anh chị em rất thân mến,

Tôi hân hoan gửi tới toàn thể anh chị em trong gia đình Giáo Phận Kontum một tin mừng:

Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp thuận ban tước vị Ðức Ông cho Cha Giuse Hoàng Minh Thắng, thuộc Giáo Phận Kontum, đang làm việc tại Ðài Phát Thanh Vatican, Roma, Italia.

Thay mặt Giáo Phận tôi đã báo tin và chúc mừng Ðức Ông. Xin anh chị em dâng lời tạ ơn Chúa với Ðức Ông và cầu xin Chúa ban cho Ðức Ông chan hòa ân thánh.

Hiệp thông trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.

 

(đã ký)

+ Micae Hoàng Ðức Oanh

Giám Mục Giáo Phận Kontum

Mục lục

 

Thông báo của Tòa Giám mục Long Xuyên về thánh lễ phong chức 19 tân linh mục

 

Tòa Giám mục Long Xuyên thông báo, Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám Mục giáo phận Long Xuyên sẽ phong chức linh mục cho 19 Thày phó tế vào lúc 06g00 sáng ngày 30/05/2008 tại nhà thờ Ngọc Thạch, số 3519 QL 80, TTr Thạnh An, Huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ.

Danh sách các Phó tế sẽ được thụ phong linh mục như sau:

HẠT CHỢ MỚI
• Thầy Giuse Nguyễn Thanh Bình
• Thầy Phêrô Cao Văn Hoành
• Thầy Phêrô Vũ Quang Tấn
• Thầy Phêrô Trần Văn Quắn
• Thầy Stephanô Lê Thái Vũ

HẠT VĨNH THẠNH
• Thầy Giuse Nguyễn Công Chính
• Thầy Phêrô Nguyễn Văn Kiệt

HẠT RẠCH GIÁ
• Thầy Phanxicô Nguyễn Trường Hải Đăng
• Thầy Gioakim Nguyễn Minh Đăng
• Thầy Phêrô Nguyễn Minh Trí
• Thầy Gioan B. Nguyễn Văn Tươi
• Thầy Giuse Nguyễn Hữu Tường

HẠT TÂN HIỆP
• Thầy Vinh sơn Nguyễn Đình Kiên
• Thầy Vinh sơn Đỗ Chí Quang
• Thầy Tôma Nguyễn văn Thảo
• Thầy Giuse Trần Trọng Trí

DÒNG THÁNH GIA
• Thầy Gioan Baotixita Trần Hữu Hạnh
• Thầy Matthia Nguyễn Văn Oai
• Thầy Giosaphat Hoàng Hữu Đạo.

Đây là đợt phong chức linh mục đông đảo nhất, chưa từng có trong giáo phận Long Xuyên
Giáo xứ Ngọc Thạch đang tưng bừng chuẩn bị đón tiếp khoảng từ 5 đến 6000 giáo dân đến tham dự lễ. Riêng các linh mục tới tham dự lễ phong chức có thể từ 250 đến 300 vị.

 

Mục lục

 

THÁNH LỄ TẠ ƠN NHÂN DỊP 9 NĂM ĐƯỢC TẤN PHONG GIÁM MỤC VÀ PHONG CHỨC LINH MỤC

Đúng vào dịp kỷ niệm 9 năm ngày thụ phong giám mục, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã long trọng cử hành thánh lễ phong chức linh mục cho mười thầy phó tế trong giáo phận vào lúc 9 giờ 30 ngày 20 tháng 5 năm 2008 tại khuôn viên nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho. Đó là các thầy phó tế:

1.      GB. Nguyễn Nhật Cương, sinh năm 1976, thuộc giáo xứ Thủ Ngữ

2.      Phanxicô X. Tô Hoàng Lâm, sinh năm 1980, thuộc giáo xứ Ba Giồng

3.      Gioakim Lai Thuỵ Minh Tâm, sinh năm 1975, thuộc giáo xứ Chánh Toà

4.      Phaolô Maria Nguyễn Khả Tú, sinh năm 1974, thuộc giáo xứ Mỹ Trung

5.      Phêrô Đặng Xuân Hạnh, sinh năm 1981, thuộc giáo xứ Thủ Đoàn

6.      Luy Huỳnh Thanh Tân, sinh năm 1977, thuộc giáo xứ Lương Hoà Hạ

7.      Gioakim Trần Quốc Toàn, sinh năm 1979, thuộc giáo xứ Hiệp Hoà

8.      Phaolô Phạm Thế Hạnh, sinh năm 1976, thuộc giáo xứ Tràm Chim

9.      GB. Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1976, thuộc giáo xứ An Long

10.  Phanxicô At. Nguyễn Minh Hoàng, sinh năm 1976, thuộc giáo xứ Thánh Anrê.

Từ mấy hôm trước, mọi người lo lắng vì thời tiết xấu, có thể mưa bất chợt, nhưng sáng hôm diễn ra lễ phong chức là một ngày nắng đẹp. Rất sớm, cộng đoàn dân Chúa từ khắp nơi trong  và ngoài giáo phận đã tụ họp về Tòa Giám mục giáo phận cùng hiện diện đông đảo dâng thánh lễ hiệp ý cầu nguyện cho các tân chức. Đúng 9 giờ 30 đoàn rước tiến vào nhà thờ với sự chủ tế của Đức Giám mục. Trước khi bắt đầu thánh lễ, Cha Tổng đại diện thay mặt quý Cha, quý tu sĩ, chủng sinh và giáo dân trong giáo phận có đôi lời mừng kính Đức Cha Phaolô nhân kỷ niệm 9 năm giám mục của ngài (x. Bài chúc mừng của cha Tổng Đại Diện).

Nhà thờ Chánh tòa dường như trở nên nhỏ bé bởi số đông giáo dân tham dự và đặc biệt với sự hiện diện của linh mục đoàn với gần 200 linh mục, là quý Cha đến từ Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, quý Cha hạt trưởng, quý Cha khách, các linh mục và tu sĩ thuộc các hội dòng trong và ngoài giáo phận.

Trong phần nghi thức phong chức linh mục, Đức giám mục đã đặt tay và chúc bình an trên các tiến chức trao gởi sứ vụ ra đi rao giảng lời Chúa. Trong bài giảng, Ngài cũng nhắn gởi các tân chức hãy sống giữa thế gian hình ảnh vị mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước vâng lời, khó nghèo và trong sạch, là chiếc cầu nối trong tương giao giữa con người với nhau và với Thiên Chúa (x. Bài giảng Thánh Lễ Phong Chức). Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí đầy thánh thiêng, sốt sắng.

Sau thánh lễ, cha Hạnh, đại diện anh em tân linh mục bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với Đức giám mục, quý Cha giáo sư thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse, các Cha trong ban đặc trách về chủng sinh và dự tu đã hết lòng dạy dỗ, dìu dắt để các cha có thể đến được thánh chức hôm nay. Các tân chức cũng không quên tỏ lòng tri ân với các đấng sinh thành đã nuôi dưỡng họ và quảng đại dâng hiến cho Chúa. Các tân linh mục cũng mong mỏi cộng đoàn dân Chúa tiếp tục yêu thương và cầu nguyện để họ luôn sống trọn con đường đã chọn trong đời hiến dâng và phục vụ. Sau đó, các tân linh mục đã cùng trao ban phép lành đầu tiên cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện.

Sau thánh lễ, các Cha mới đã có buổi gặp gỡ thân mật với gia đình, họ hàng, ân nhân thật vui vẻ, ấm áp nhưng cũng không quên chuẩn bị cho thánh lễ tạ ơn vào những ngày sắp tới trước khi chính thức nhận nhiệm vụ mới mà Đức giám mục giáo phận giao phó.

Xin ngày hồng ân hôm nay mãi là dấu ấn không phai trong đời linh mục để các ngài luôn vững bước trên con đường đem Chúa đến cho tha nhân: Xin hy sinh một đời để hồi sinh biết bao cuộc đời.

Pet Tuấn Ngọc

Mục lục

 

 

Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Đức Tánh, Phan Thiết

 

PHAN THIẾT -- Hàng năm, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể cho 5 giáo hạt vào dịp lễ Mính Máu Thánh Chúa, bổn mạng Thiếu Nhi Thánh Thể. Năm nay,có 7.200 em, đại diện cho thiếu nhi các giáo xứ cùng với 700 Huynh trưởng tham dự đại hội tại 5 giáo hạt vào ngày Chúa nhật lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.


Giáo hạt Đức Tánh có 1.600 em và 200 Huynh trưởng từ 19 giáo xứ giáo họ tề tựu về Nhà thờ Võ Đắt cùng sinh hoạt, gặp gỡ giao lưu trong tình thân ái vui tươi hiệp nhất.Từ những xứ xa xôi hơn 50km, các em lên đường từ 4 giờ sáng cho kịp giờ khai mạc.


Đoàn thiếu nhi và huynh trưởng đón chào Cha tân hạt trưởng, GB Trần Văn Thuyết đến dự nghi thức khai mạc. Ngài về nhận giáo xứ Võ đắt và Hạt trưởng hạt Đức tánh, thay cho Cha FX phạm Quyền về nhà thờ Chính toà, nhận Hạt trưởng hạt Phan thiết.


Trong lời huấn từ, cha tân Hạt trưởng rất vui mừng bên đoàn thiếu nhi. Ngài đã khuyên các thiếu nhi hãy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, viếng Chúa mỗi ngày.


Các cha trong giáo hạt đã đến đồng tế Thánh lễ với cha Hạt trưởng, làm tăng thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội nơi các em thiếu nhi. Cha FX Nguyễn Quang Minh, Tổng Tuyên Uý Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo phận đã chia sẽ lời chúa với các em.Đây cũng là dịp để các thiếu nhi thấy và biết thêm về các cha trong giáo hạt. Ban chiều, các em thi kể chuyện Thánh kinh và giao lưu văn nghệ. Sau đó kiệu Thánh Thể và Chầu tạ ơn.


Nhìn những thiếu nhi hồn nhiên trong sáng vui hát reo hò, tôi nhớ đến Thánh Don Bosco, một thiên tài giáo dục. Những lời khuyên của cha Don Bosco với thiếu nhi với tuổi trẻ thật bổ ích. “Người ta gieo gì thì gặt nấy”. Hỡi các con, hãy cho cha biết những người nông dân đang rất sung sướng gặt những bông lúa của họ, nhưng nếu họ đã không cày bừa, gieo hạt rồi nhặt cỏ xấu, thì liệu họ có thể nhận được niềm vui gặt hái lúc này hay không? Chắc chắn là không, phải không các con…bởi vì để đựoc gặt trước tiên phải gieo hạt. Với các con cũng thế, nếu bây giờ các con gieo, một ngày kia các con ciũng sẽ hài lòng về mùa gặt của mình. Nhưng nếu các con lơ là công việc của người giống này, khi mùa gặt đến các con sẽ chết đói.


Vậy các con hãy nhớ đến điều Chúa nhân lành đã phán: “Người ta gặt điều mà người ta đã gieo”. Gieo lúa thì gặt lúa, gieo bắp thì gặt bắp, gieo lúa mạch thì gặt lúa mạch; nhưng gieo gai góc thì gặt gai góc. Các con có muốn mùa gặt của các con tốt đẹp không? Hãy gieo xuống đất hạt giống tốt! Và các con hãy nhớ kỹ rằng: nỗi mệt nhọc phải chịu trong thời gian gieo hạt thì không là gì sánh với niềm vui mà mùa gặt mang lại.


Còn một điều nữa, để hạt giống tốt và cho một bông lúa mẩy, thì phải gieo hạt đúng thời hạn;lúa vào mùa thu, bắp vào mùa xuân…Hạt giống nào cũng thế. Ai gieo không đúng hạn thì không gặt đựoc gì hết. Và này, cha hỏi các con: đời người đựoc gieo vào mùa nào? Mùa xuân, trong thời kỳ non trẻ. Nều không gieo vào mùa này, thì sau này không gặt hái được gì. Và nếu cha hỏi các con phải gieo gì? Tất cả các con sẽ trả lời cha: “Những việc tốt lành”. Quả thật, người nào gieo hạt gai thỉ chỉ gặt đựoc gai nhọn trong tuổi già. Các con có hiểu những điều ấy không? Đừng quên nhé!


Cha muốn nhắc các con một lời phán dạy khác của Chúa nữa: “ai gieo gió thì gặt bão”. Gió đây là những đam mê xấu. Một chú bé để cho các đam mê cai trị mình, để cho biết bao những hạt giống xấu lọt vào tâm hồn mình, tuy lúc này nhỏ bé nhưng dần dần chúng sẽ lớn lên. Một ngày kia những cơn bão kinh khủng sẽ nổi lên trong người ấy, và người ấy sẽ bị quỵ ngã ngay. Nhờ ơn Chúa, các con đừng để những hạt giống bé nhỏ ăn rễ trong các con;cuộc sống các con sau đó sẽ là một chuỗi bất hạnh! Hãy nhớ điều này: các đam mê điên khùng sẽ điều khiển người ta và làm cho họ vi phạm những điều xấu, cả khi chúng không cưỡng ép họ. Thời gian đầu chúng rất nhỏ bé, vụn vặt. Nhưng từng chút, từng chút chúng tự phát triển dần và đến một ngày nào đó, họ không có thể làm chủ chúng. Điều đó cũng sẽ như thế đối với các con.


Khi một đứa trẻ nào giữ lại những đam mê nhỏ trong mình, thay vì tìm cách khuất phục chúng thì nó lại nói: “Ồ! Không việc gì!”…Cha run sợ tự nhủ: đúng vậy, hôm nay không việc gì hoặc không có sự gì đáng kể cả đối với một cụm cỏ mới mọc. Nhưng các con cứ để nó to lên và rồi các con sẽ thấy. Sư tử con, còn nhỏ thì rất hiền, nhưng với nhữgn nămmtháng, nó trở thành một dã thú đáng sợ. con gấu nhỏ thật dễ thương trong hang, về sau nó sẽ trỡ thành một con vật kinh khủng. con cọp dường như muốn ve vuốt các con bằng chân của nó, sẽ trở thành hung dữ nhất trong các con vật.


Các con có hiểu được tất cả những thí dụ đó không? Vậy nếu các con muốn sau này hạnh phúc thì ngay bây giờ các con hãy tỉnh thức và cẩn thận với chính mình.


Mùa hè, các em xếp bút nghiên vui chơi tuổi thơ. Gia đình và giáo xứ là môi trường tốt nhất gieo hạt giống tốt vào mãnh đất tâm hồn thiếu nhi.


Các Nhà thờ có đông hơn Thiếu Nhi dự lễ mỗi ngày. Các em siêng năng đến Nhà thờ viếng Chúa, học giáo lý. Thiếu nhi thể hiện lòng yêu mến Chúa trong cuộc sống nơi gia đình, làng xóm, với mọi người. Sống đẹp lòng Chúa, các em xứng đáng là Thiếu Nhi Thánh Thể.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

 

 

Nên tin và giao việc cho giáo dân

 

Nói truyện với LM Giuse Nguyễn Hữu An, chánh xứ Mẹ Vô Nhiễm, thuộc giáo phận Phan Thiết,

 

PHAN THIẾT: Nhằm tìm hiểu thêm về hiện tình Giáo hội tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc nói truyện với LM Giuse Nguyễn Hữu An, chánh xứ Mẹ Vô Nhiễm, thuộc giáo phận Phan Thiết, trong đó ngài nhấn mạnh đến khía cạnh là các linh mục ngày nay “Nên tin và giao việc cho giáo dân...” để giáo dân có thể đóng góp tích cực trong các sinh hoạt của xứ đạo. Nhận thấy những phát biểu và tâm tình riêng của Ngài có thể đem đến những khởi điểm đối thoại và một cách thế nhìn vấn đề "mới mẻ", nên chúng tôi đăng lên để rộng đường dư luận.


Lê Phủ Cam (Phóng Viên): Làm mục vụ ở một vùng quê nghèo nhưng tinh thần sống đạo lại rất cao, điều gì làm cha thao thức nhất ?


LM.NHA: Vì đây là một miền truyền giáo nên ưu tiên hàng đầu của tôi là phát triển giáo xứ thành một cộng đoàn Đức tin, sống chân thành, bác ái để làm chứng nhân. Tôi không thích sự cầu kỳ, câu nệ mà luôn gần gũi, sống cùng giáo dân như những người anh em. Tôi đã từng chứng kiến một giáo xứ nhà quê như xứ tôi có số giáo dân bỏ nhà thờ rất đông, tìm hiểu thì biết cha xứ do quá cứng nhắc với hình thức bề ngoài như buộc giáo dân nữ đi lễ phải mặc áo dài, nam thì bỏ áo vào quần..., trong khi đời sống của họ còn nhiều khó khăn, giờ giấc đến với Chúa cũng là tranh thủ khi rảnh, nên những nguyên tắc đó trở nên xơ cứng, gò bó..., vậy là họ xa dần nhà thờ. Tôi coi đây là kinh nghiệm trong khi làm mục vụ của mình.

LPC: Cha đã bắt đầu từ đâu để xây dựng tinh thần này ?


LM.NHA: Tôi xây dựng những hội đoàn, mở những lớp giáo lý, lập những nhóm bác ái chuyên đến với người nghèo để tìm hiểu đời sống của họ. Tôi cũng đi tìm những nguồn quỹ và làm những dự án phát triển đời sống của dân nghèo, sau đó giao lại cho giáo dân điều hành để họ có điều kiện đồng hành cùng anh em khó khăn. Ngay phía trước ngôi nhà thờ mới, tôi cũng làm hai bức phù điêu diễn tả một lời dạy trong Tin Mừng là “Mến Chúa yêu người”, vì bác ái, liên đới là mục tiêu hàng đầu của xứ Mẹ Vô Nhiễm. Xin mở ngoặc nói thêm là gần như mọi công việc ở giáo xứ, trừ việc cử hành các bí tích, tôi đều để giáo dân tự hoạch định và thực hiện, tôi chỉ góp ý và tham gia định hướng. Tôi thấy tin giáo dân, giao việc cho họ thì cha xứ sẽ có nhiều thời gian để quan tâm việc khác, mà giáo xứ lại ấm cúng, vui vì ai cũng thấy mình có sự đóng góp.


LPC: Thao thức là vậy, khi thực hiện cha gặp khó khăn gì ?


LM.NHA: Vì xứ Mẹ Vô Nhiễm là xứ mới nên mọi hoạt động phải tổ chức từ đầu, cần thời gian mới quen việc và suôn sẻ. Vấn đề tìm và huấn luyện nhân sự cũng là thách thức khi nhiều bà con phải dành thời gian mưu sinh, lại chưa tham gia những hoạt động cộng đồng nhiều.


LPC: Còn đâu là những lợi thế ?


LM.NHA: Lòng đạo đức lâu đời, sự nhiệt tình và nhất là môi trường lành mạnh (giáo xứ tôi rất ít tệ nạn xã hội)...là những lợi thế. Tôi ví dụ, trong công việc xây nhà thờ vừa rồi, mặc dù khả năng tiền của để đóng góp vào việc chung của giáo dân là có giới hạn nhưng sự cộng tác, chung tay của họ là rất cảm động. Với công trình này, tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những cụ già ngồi chọn gạch, những chị nữ nấu nướng lo cho thợ, những anh thanh niên hì hục khuân vác, đào móng, và cả những cháu thiếu nhi hễ rảnh là sang nhà thờ quét dọn...Đây là bức tranh sinh động của một cộng đoàn hiệp nhất, cũng là bằng chứng nói lên ý thức trách nhiệm với chuyện chung của bà con trong xứ.


LPC: Xin cảm ơn cha !

Lê Phú Cam

Mục lục

 

Giáo xứ trên miền đất voi


Ông Nguyễn Tuyên, 86 tuổi, một giáo dân kỳ cựu của giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm (Đức Linh – Bình Thuận) bảo vùng này cách đây trên dưới 40 năm voi nhiều vô kể. Bản thân ông chỉ nghiệp dư đi đánh bẫy cũng từng “thịt” hết bốn “ông Tượng”. Ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng voi vẫn về trên những đồng rẫy gần nhà thờ, mé sát chân núi. Nhiều người gọi họ đạo nằm bên chân núi Gia Lào này là “miền đất voi”, chắc cũng không phải là cường điệu lắm !


*Khai rừng lập xứ


Năm 1960, trong chương trình lập những dinh điền mới của chính quyền thời bấy giờ, miền rừng Đức Linh đã được khai phá. Ngày ấy, theo lời của những bậc tiền bối còn sống đến nay, đây là khu rừng nguyên sinh chưa hề có dấu chân người, vì vậy nên thú rừng nhiều vô kể. Bà con đến đây lập nghiệp gồm đủ gốc gác Bắc – Trung – Nam. Những người có đạo quây quần lại thành xứ Chính Tâm với ba họ lẻ và giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm ngày nay lúc đó là họ Chính Tâm 3, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan Thầy, trải dài trên 4 cây số, có một ngôi nhà thờ bằng gỗ lợp tôn.


Tiếng là khai hoang lập dinh điền nhưng ruộng của vùng này, cho đến nay vẫn rất ít ỏi, chỉ đôi ba chỏm da beo xen kẽ trong đất núi. Bà con chủ yếu sống bằng việc phá rừng làm rẫy, tạo nên những nương khoai và bắp. Rảnh rỗi, đàn ông chọn việc đi đánh bẫy, phụ nữ thì hái lá chằm nón, chặt cây làm chổi. Nói chung là vất vả đắp đổi qua ngày, chỉ dồi dào một món duy nhất là...thịt rừng.


Nói về rừng, nếu dùng từ thời thượng thì sau gần 50 năm, người Đức Linh nói chung đã “cơ bản hoàn thành” việc biến một khu rừng nguyên sinh với đầy đủ muôn thú như trong truyện cổ tích và gỗ quý thành những nương rẫy và nhà cửa. Theo ông cụ Tuyên mà tôi kể ở đầu bài, cách đây 40 năm thôi, vùng này không thiếu một loài thú gì, từ hươu nai cho đến gấu cọp. Đặc biệt là voi, nhiều không kể xiết, sống bầy đàn và di chuyển tự nhiên trên những đồng cỏ và sông suối như thể heo mọi chạy rông thời nay. Ông Tuyên từng chứng kiến cảnh chết chùm của cả một đàn voi 11 con lớn và hai con bé khi cố gắng cứu một con khác bị ngã xuống dòng thác cách nhà thờ bây giờ vài cây số. Không đâu xa, cách đây vài năm thôi, đất Đức Linh vẫn còn sót lại một bầy “ông Tượng” năm bảy con qua về sông La Ngà, ghé thăm nhà dân miền này như cơm bữa. Sau đó thì cả bầy được bắn thuốc đưa lên Buôn Đôn, chỉ sót lại một con cực lớn ba chân thỉnh thoảng vẫn về “thăm chốn xưa” mà báo chí vẫn hay đưa tin. Đó cũng là lý do mà khu vực giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm được cho là miền đất voi.


Trở lại với quá trình khai rừng lập xứ. Tuy sống giữa rừng rú hoang vu với nhiều hiểm nguy nhưng lòng đạo của bà con lại rất mạnh mẽ. Với ngôi nhà thờ dựng tạm, hàng ngày, sau những giờ mệt mỏi vật lộn với rừng kiếm sống, họ lại hội về nhà thờ để kinh kệ, giáo lý. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đã không hề yên ổn bởi chiến tranh luôn làm xáo trộn sinh hoạt và ám ảnh đời tha hương của họ. Năm 1965, nhà thờ bị tiêu hủy vì bom đạn, dân chúng sơ tán đi khắp nơi. Cuối năm 1972, chiến sự tạm ổn, bà con trở về lại. Mọi người cùng nhau làm nhà thờ mới bằng gỗ trên đỉnh đồi trong làng nhưng chẳng được bao lâu thì bom đạn lại về. Từ năm 1973-1975, tất cả các cơ sở đã bị bình địa, dân chúng lại tản mác nhiều phương.


Hòa bình lập lại, cuối năm 1975, bà con về lập lại làng, tiếp tục làm một nhà thờ tạm khác nhưng chỉ được 2 tháng thì bị buộc tháo dỡ. Từ đó, nơi đây không còn cơ sơ thờ tự, không có linh mục, giáo phải đi dự lễ tận nhà thờ Võ Đắc, nhà thờ Xuân Thành (Đồng Nai) cách xa 20-30 cây số. Từ năm 1992, giáo xứ Chính Tâm được lập lại, bà con giáo dân đã dự lê và sinh hoạt chung tại đó, họ Mẹ Vô Nhiễm thuộc giáo xứ Chính Tâm được khôi phục nhưng nhà thờ thì cũng vừa dựng xong phải tháo cất. Năm 1996, sau nhiều thăng trầm, giáo họ mới làm được một ngôi nhà thờ bằng cột gỗ, vách ván, mái tôn tận dụng, nền gạch tàu, diện tích 360m2. Nhà thờ đã sử dụng trên 10 năm nên xuống cấp nghiêm trọng, rất nhiều lần cố gắng dùng cây chống đỡ nhưng vẫn không an toàn. Các cha xứ Phaolô Lê Quang Luân, Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giuse Nguyễn Văn Lừng lần lượt quản xứ Chính Tâm và chăm lo mục vụ giáo họ Vô Nhiễm. Cha Phó xứ Chính Tâm Giuse Nguyễn Hữu An phụ trách Giáo họ từ năm 2000. Từ năm 1997, họ có thêm nhà giáo lý rồi nhà xứ, nhà trẻ. Những hoạt động của họ đạo nhỏ bé này đang từng bước đi vào quy củ thì một tai họa lại xảy ra: Ngày 29.7.2005, nhà thờ đã bị cháy rụi do chập đường dây điện, ngọn lửa lấy đi từ mái tôn, bức vách đến nhà Tạm, chén Thánh, tượng ảnh, sách kinh... Những thành quả vật chất, dù không đáng giá nhiều nhưng là công sức đóng góp của những người nông dân chất phác nơi đây phút chốc biến thành tro bụi, cuốn theo trong gió núi và mưa ngàn. Lại tiếp tục dựng lại nhà thờ bằng cây bạch đàn, tre nứa, che bạt bên trên, xung quanh trống rỗng lộng gió như ngày mới về khai hoang. Mỗi ngày sớm tối lễ lạy kinh hạt, ai ai cũng xót xa, khao khát có ngôi nhà thờ mới.


Và, những ước mong của họ đã thành hiện thực khi ngày 4.10.2006, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo phận Phan Thiết đã dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường mới. Ngày 10.12.2006, Đức cha lại công bố quyết định nâng giáo họ lên giáo xứ và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Hữu An làm Chánh xứ tiên khởi giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm. Sau 16 tháng thi công, với công sức của bà con giáo dân, sự giúp đỡ của các cơ quan bác ái Công giáo, lòng quãng đại của quý ân nhân xa gần, giáo xứ non trẻ trên miền đất voi này đã hoàn thành một ngôi nhà thờ khá đẹp và khang trang, do Công ty xây dựng Hoan Thiện thiết kế và thi công. Ngày 31.05.2008, lễ Đức Mẹ Thăm viếng, Đức Giám Mục Phan thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan sẽ đến dâng Thánh Lễ Cung Hiến Nhà thờ mới.


*Phát triển bền vững


Sở dĩ phải dông dài với chuỗi thăng trầm của một giáo xứ vùng xa này là vì muốn nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững của một giáo đoàn hợp lưu nhiều thành phần trong gần nửa thế kỷ qua.


Thật vậy, mặc dù cho đến nay, đây vẫn là một giáo xứ nghèo, rất nghèo của giáo phận Phan Thiết, với nghề chính của bà con là làm nông, cụ thể là trồng khoai mì và gần một nửa là gia đình nghèo, nhưng sự tương thân và lòng sốt mến sống đạo của cộng đoàn 1700 giáo dân này thì phải đáng ghi nhận.


Giáo xứ có những chương trình xã hội khá thiết thực, do giáo dân trực tiếp điều hành như chương trình luôn phiên nuôi bò đẻ (từ một số bò giống ban đầu, các gia đình nghèo sẽ nuôi cho đến khi có được 2 bò con làm vốn sẽ chuyển sang gia đình khác), chương trình kéo nước sạch về từng hộ, chương trình xây nhà tình thương. Trong xứ cũng có một quỹ học bổng đỡ đầu toàn phần cho 33 em và bán phần cho 40 em học hành tới Đại học, bất kể lương giáo. Các chương này do cha xứ khởi xướng, tìm nguồn tài trợ và các cộng tác viên là giáo dân trực tiếp điều phối, duy trì. Bà con cũng lập nên những nhóm thiện nguyện chuyên đi giúp bà con dân tộc trong vùng hay tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ kịp thời. Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm khẳng định: “Chúng tôi còn nghèo, nhưng tôi dám khẳng định là trong xứ không có hoàn cảnh nào bị bỏ rơi. Chúng tôi chia sẻ với nhau trong tinh thần “đồng tiền bà góa”, chúng tôi đến với nhau trong tình huynh đệ vì đã từng đồng kham cộng khổ với nhau từ nhiều chục năm rồi !”. Tính cộng đồng được xứ đạo này đưa lên hàng đầu nên tình liên đới luôn trải rộng, sự bình đẳng cũng vì thế được xác lập trong mọi sinh hoạt. Nhìn hình ảnh giáo dân nhiều lứa tuổi, đủ thành phần trong xứ ban chiều quây quần chơi bóng bàn, đá banh, bóng chuyền hay tập thể dục trong khuôn viên nhà thờ là có thể đoán biết sự hợp nhất của họ. Đây là một trong những yếu tố hình thành nên một cộng đồng phát triển bền vững.


Hôm chúng tôi ghé thăm xứ, nhằm ngay tháng hoa Đức Mẹ, có một hoạt động rất mộc mạc của trẻ con trong xứ làm tôi rất ấn tượng là vào trước mỗi giờ lễ hàng ngày, các em lại chia nhau luân phiên dâng hoa. Sau lễ, lại lần lượt đến từng nhà cũng dâng hoa kính Đức Mẹ. Đơn sơ thôi, đồng phục chưa đẹp lắm, các điệu múa chưa đều lắm, cũng không cầu kỳ tập luyện nhiều thời gian, nhưng rất thanh khiết và ấm cúng. Lòng sốt mến trong từng gia đình được hâm nóng qua hoạt động đơn giản này; sự đoàn kết trong xứ đạo cũng bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất như thế. Ngày Khánh thành nhà thờ mới đã gần kề, Cha xứ và bà con giáo dân đang tất bật chuẩn bị, bầu khí hiệp nhất càng được thể hiện rõ nét hơn.*


Buổi chiều nắng trải vàng trên từng con đường nhỏ ngang dọc phía dưới triền núi Gia Lào, nhìn những đàn bò đang thong thả về chuồng, chợt cảm thấy bình yên lạ nơi vùng đất rừng xưa này. Ngày cũ sắp chiều và một đêm bình yên đang về với người dân nơi đây. Ngày mai họ lại lên nương, lại chung tay hiệp nhất, dù trong cái vất vả của nắng, của gió từ núi rừng ùa về.

 

Lê Hữu Tuấn

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

Lời Chủ Chăn tháng 6.2008

Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thánh Tâm Chúa Giêsu và giáo dục kitô giáo trong gia đình

 

Anh chị em trong gia đình giáo phận rất thân mến, 

1.  Xã hội loài người ngày nay phát triển và tiến bộ vượt bậc.  Đó là nhờ mở mang kiến thức khoa học và phát huy tính thực dụng của nó.  Đồng thời xã hội loài người cũng đang trải qua nhiều khủng hoảng, khủng hoảng môi sinh, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng kinh tế, chính trị, khủng hoảng lòng tin... Phải chăng một trong những nguyên nhân sâu xa là do sự phát triển con người thiếu cân bằng?  Đầu óc khoa học và hai bàn tay thực dụng thì phát triển vượt bậc.  Còn cái tâm và đạo làm người trong trời đất, trong thiên hạ, thì xem ra ngày càng nhường chỗ cho tư lợi và bất công, gian dối và bạo lực trong cuộc sống. 

2.  "Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa".  Lời cầu với Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ nhằm diễn tả lòng đạo, song còn mở ra hướng đi cho công cuộc giáo dục "cái tâm" con người ngày nay. 

3.   Trong giáo dục kitô giáo, Lời Chúa được tâm niệm và mang ra thực hành, Chúa Thánh Thần và các ân ban của Người mà Chúa Cha giàu lòng thương xót đã đổ vào lòng mỗi tín hữu, đó là hai bàn tay mà Thiên Chúa sử dụng để dẫn dắt và uốn nắn lòng chúng ta trở nên giống như Trái Tim Chúa Giêsu.

4.  Trong Tông Thư "Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria", 16.10.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giới thiệu 20 Mầu Nhiệm Mân Côi như bản tóm tuyệt vời "Tin Mừng Đức Giêsu Kitô", như cửa ngõ dẫn vào những chỗ sâu thẳm của Thánh Tâm Chúa Giêsu, và mời gọi người tín hữu cùng Mẹ Maria chiêm ngắm tình yêu nơi Trái Tim Chúa Giêsu.  Chiêm ngắm để noi gương Chúa Giêsu sống đạo yêu thương,  sống đạo làm con Chúa trong trời đất, đạo làm người trong thiên hạ. 

5.  Bổ sung 15 mầu nhiệm Mân Côi trong truyền thống xưa nay, Đức Gioan Phaolô II đã đề nghị thêm "Năm Sự Sáng".  Tiếp theo sau "Năm Sự Vui" mô tả tình yêu của Chúa giáng thế làm người đem lại bình an và niềm vui cứu độ cho nhà nhà, "Năm Sự Sáng" mô tả tình yêu của Chúa vào đời mang ánh sáng soi đường cho người người đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong yêu thương và bình an.

6.  Thứ nhất, Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng Mt 3,13-17, mô tả biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan, cho chúng ta chiêm ngắm nơi Chúa Giêsu tâm tình và thái độ hiếu thảo và trung thành đối với Chúa Cha giàu lòng thương xót đã yêu thương cứu độ nhân loại.  Và nguyện xin Chúa Thánh Thần là nguồn lực tình yêu ban sức mạnh đổi mới lòng hiếu thảo và trung thành hẹp hòi, nhỏ bé của ta, trở nên giống như Trái Tim Chúa Giêsu. 

7.  Thứ hai, Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan 2,1-11, mô tả biến cố  Chúa Giêsu dự tiệc cưới ở làng Cana, cho chúng ta chiêm ngắm và noi gương Chúa Giêsu luôn yêu thương và đồng hành với gia đình trong vui buồn, lo âu và hy vọng. 

8.  Thứ ba, Lời Chúa trong Tin Mừng  Mc 1,14-15. 21-34, mô tả việc Chúa Giêsu rảo đi khắp nơi loan Tin Mừng Nước Chúa, và chữa lành bệnh tật, cho chúng ta chiêm ngắm và noi gương Chúa Giêsu luôn yêu thương và không ngừng dấn thân phục vụ cho Tin Mừng và sự sống con người.

9.  Thứ bốn, Lời Chúa trong Tin Mừng Mt 17,1-8, mô tả biến cố Chúa Giêsu hiển dung khi cầu nguyện trên núi Tabo, cho chúng ta chiêm ngắm và noi gương Chúa Giêsu cầu nguyện và toả sáng ánh quang lòng từ bi bao dung của Cha trên trời. 

10.  Thứ năm, Lời Chúa trong TM Mc 14,17-25, mô tả việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trước giờ chịu nạn tại Giêrusalem, cho chúng ta chiêm ngắm và noi gương Chúa Giêsu yêu thương và tự nguyện hiến thân đến cùng vì sự sống và sự hợp nhất vững bền trong gia đình, trong cộng đoàn và xã hội. 

11. Trong đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội, hãy luôn nêu gương và giúp nhau sống yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương.  Hãy quan tâm nhắc bảo nhau: mỗi người được phúc Chúa yêu thương là để biết yêu thương người khác, biết làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa đối với mọi người, biết chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban cho mỗi người.  Hồng ân lớn nhất, quý nhất, là sống yêu thương như chính Chúa yêu thương, một lối sống mới mang lại sự sống dồi dào trong bình an và hạnh phúc cho nhà nhà.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY CẦU NGUYỆN XIN ƠN THÁNH HOÁ LINH MỤC 

Anh em linh mục thân mến,

Vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, với cái nhìn yêu thương kiên vững, chúng ta hướng ánh mắt tâm hồn và trái tim của chúng ta về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của đời sống chúng ta và của thế giới. Nhớ đến Đức Kitô nghĩa là nhớ đến Khuôn Mặt mà dù ý thức hay không, mỗi người chúng ta đều tìm kiếm như là câu trả lời duy nhất thoả mãn khát vọng hạnh phúc trào dâng trong chúng ta. 

Khuôn mặt này, chúng ta đã gặp thấy, và ngày hôm nay, vào giờ phút này, Tình Yêu của Người đã làm cho cõi lòng chúng ta phải thổn thức, đến nỗi chúng ta không thể làm gì khác hơn là không ngừng van xin được hiện diện trước mặt Người: “Ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con; ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông” (Tv 5).

Phụng Vụ Thánh lại dẫn chúng ta vào chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, nguồn gốc và thực tại sâu thẳm của cộng đoàn Giáo hội: Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacốp mạc khải chính mình nơi Đức Giêsu Kitô. “Chẳng ai đã có thể nhìn thấy Vinh Quang của Người, trừ khi họ được chữa lành nhờ sự khiêm hạ của thân xác Người. Bụi đất đã làm cho con người nên mù quáng, thì cũng nhờ bụi đất mà con người được chữa lành; sự mù quáng của con người do bởi xác phàm, thì cũng nhờ xác phàm mà con người được chữa lành” (Thánh Augustinô, Chú giải Tin Mừng theo thánh Gioan, Bài giảng, 2, 16).

Chỉ khi nhìn ngắm lại nhân tính hoàn hảo và cuốn hút của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hằng Sống và không ngừng hoạt động trong hiện tại, Đấng đã tự mạc khải chính mình cho chúng ta và hiện vẫn còn nghiêng mình trên mỗi người chúng ta với tình yêu hoàn toàn đặc biệt của riêng Người, chúng ta mới có thể để cho Người chiếu dọi chúng ta và lắp đầy vực thẳm đói khát là chính nhân tính của chúng ta, khao khát tìm thấy niềm hy vọng, khao khát lòng Thương xót bao phủ những giới hạn của chúng ta, khi dạy chúng ta biết tha thứ những điều mà chính chúng ta cũng không thể nhận ra về bản thân mình. “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm, khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang” (Tv 41).

Vào ngày truyền thống cầu nguyện xin ơn Thánh hoá các linh mục, được cử hành vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi muốn nhắc lại sự ưu tiên của cầu nguyện so với hoạt động, theo nghĩa là chiều sâu của hoạt động phải tuỳ thuộc vào chính việc cầu nguyện. Sứ vụ của Giáo hội tuỳ thuộc sâu rộng vào mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu. Vì thế, sứ vụ này phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện: “Đã đến lúc phải tái xác định sự quan trọng của việc cầu nguyện đối mặt với chủ thuyết duy hoạt động và chủ thuyết tục hoá đang thống trị” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu - Deus caritas est, số 37). Chúng ta phải không ngừng kín múc nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và để cho Lòng Thương Xót của Ngài thẩm định và chữa lành những vết thương đau vì tội lỗi của chúng ta, hầu biết cảm phục trước sự kỳ diệu luôn luôn mới lạ nơi nhân tính được cứu chuộc của chúng ta.

Anh em linh mục rất thân mến, chúng ta là những chuyên viên về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình, và chỉ như thế mới trở nên những dụng cụ của Lòng Thương Xót khi chúng ta ôm lấy nhân tính bị thương tích một cách hoàn toàn mới mẻ. “Đức Kitô không cứu chúng ta khỏi nhân tính của chúng ta, nhưng qua nhân tính này; Người không cứu chúng ta khỏi thế gian, nhưng Người đã đến trong thế gian để nhờ Người mà thế gian được cứu độ (x. Ga 3,17)” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Urbi et Orbi, ngày 25 tháng 12 năm 2006). Sau hết, chúng ta trở thành linh mục nhờ Bí tích Truyền chức, hành động cao cả nhất của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, cũng như của tình yêu thương đặc biệt của Ngài.

Kế đến, trong cơn khát khao Đức Kitô cháy bỏng và trào dâng trong lòng chúng ta, chiều kích đích thực nhất của Chức Linh Mục là sự van nài, lời cầu nguyện đơn thành và liên lĩ mà chúng ta học biết qua việc cầu nguyện trong thinh lặng; lối cầu nguyện này luôn là đặc tính của đời sống các thánh, và phải được van nài với lòng kiên trì. Ý thức về mối tương quan với Đức Kitô phải được thanh luyện từng ngày qua thử thách. Mỗi ngày, chúng ta lại nhận ra rằng, là những Thừa Tác Viên hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu, chúng ta không được miễn chước khỏi bi kịch này: chúng ta không thể sống trong sự hiện diện của Người dù chỉ một khoảnh khắc thôi nếu không có ước muốn khoan hoà nhận ra Người, hiểu biết Người và kết hợp với Người. Chúng ta đừng nhường bước trước cám dỗ xem bản chất linh mục của chúng ta như một nhiệm vụ không thể tránh né, không thể thoái thác và vì thế phải đảm nhận, để rồi nghĩ mình có thể chu toàn cách máy móc chỉ bằng việc đơn giản theo đuổi một chương trình mục vụ ăn khớp và chặt chẽ. Chức linh mục là ơn gọi, là nẻo đường, là cách thức mà qua đó Đức Kitô cứu độ chúng ta, với cách thức ấy Người đã kêu gọi chúng ta, và giờ đây lại mời gọi chúng ta sống với Người.

Đối với ơn gọi thánh thiện của chúng ta, mức độ duy nhất thích hợp là tính triệt để. Với ý thức về sự bất trung của chúng ta, sự tận hiến hoàn toàn chỉ có thể diễn ra như một quyết định được lặp lại trong lời cầu nguyện từng ngày, và rồi Đức Kitô sẽ bổ khuyết. Chính hồng ân độc thân linh mục phải được đón nhận và sống trong chiều kích triệt để này, một chiều kích được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô. Ngoài mối tương quan với Đức Kitô, mọi quan điểm khác đều có nguy cơ trở thành không tưởng.

Chính công việc bề bộn, đôi khi vô cùng lớn lao mà những hoàn cảnh hiện tại của thừa tác vụ đòi buộc chúng ta phải gánh vác, thay vì làm chán nãn, lại càng thúc đẩy chúng ta phải chú tâm nhiều hơn nữa đến căn tính linh mục của mình, một căn tính có nguồn gốc thần linh không thể giảm thiểu. Trong ý nghĩa này, theo một lý lẽ trái ngược với lý lẽ của thế gian, chính những hoàn cảnh của thừa tác vụ phải thúc đẩy chúng ta “nâng cao trình độ” đời sống tâm linh, để làm chứng bằng một một niềm xác tín lớn lao nhất và đầy hiệu quả rằng chúng ta thuộc trọn về Chúa.

Chúng ta được dạy để biết tận hiến hoàn toàn bởi Đấng đã yêu thương chúng ta trước. “Ta tỏ mình ra cho kẻ chẳng hề tìm kiếm Ta. Ta nói: “Này Ta đây” với kẻ chẳng hề kêu cầu Danh Ta”. Nơi thể hiện sự tự hiến tuyệt hảo chính là Thánh Thể, vì “Trong Bí tích Thánh Thể, không phải Chúa Giêsu trao ban “một điều gì”, nhưng Người tự hiến chính mình; Người đã hiến dân thân xác mình và đã đổ máu mình ra. Với cách thức này, Người ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thuỷ của tình yêu này” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 7).

Anh em linh mục rất thân mến, chúng ta trung thành cử hành mỗi ngày Bí tích Thánh Thể Cực Thánh, không chỉ để chu toàn một dấn thân mục vụ hay đáp ứng cho nhu cầu của cộng đoàn đã được giao phó cho chúng ta, nhưng còn vì một nhu cầu tuyệt đối của bản thân mà chúng ta cảm nhận, như hơi thở, như ánh sáng cho đời sống chúng ta, như lý do duy nhất thích đáng cho một đời sống linh mục thành toàn.

Trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis, Đức Thánh Cha lại mạnh mẽ đề nghị xác quyết của thánh Augustinô: “Không ai ăn thịt này mà trước đó đã không thờ lạy; nếu không thờ lạy, chúng ta sẽ có tội” (Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 98,9). Chúng ta không thể sống, chúng ta không thể nhận ra sự thật về chính mình nếu không để cho Đức Kitô nhìn ngắm và sinh ra chúng ta qua việc tôn thờ Thánh Thể hằng ngày. Và “sự đứng vững” (Stabat) của Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể”, dưới chân thập giá của Con Mẹ, là mẫu gương ý nghĩa nhất về việc chiêm ngắm và tôn thờ Hy lễ thần linh đã được ban tặng cho chúng ta.

Cũng như chiều kích truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội, sứ vụ của chúng ta được hàm chứa trong căn tính linh mục, chính vì thế tính khẩn thiết của việc truyền giáo là vấn đề tự ý thức về chính mình. Căn tính linh mục của chúng ta được thiết lập và được đổi mới từng ngày qua cuộc “đối thoại” với Chúa chúng ta. Mối tương quan với Người, luôn được nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện thường hằng, có hệ quả trực tiếp là nhu cầu chia sẻ nó cho những người chung quanh. Thật vậy, sự thánh thiện mà chúng ta khấn xin mỗi ngày không thể được quan niệm như một sự tiếp nhận cá nhân cằn cỗi và trừu tượng, nhưng rõ ràng đó là sự thánh thiện của Đức Kitô lan toả cho chúng ta: “Sự kiện được hiệp thông với Đức Giêsu đưa chúng ta vào lối sống của Người là “sống cho mọi người”; điều đó làm nên cách thể hiện hữu của chúng ta” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe Salvi, số 28).

Lối « sống cho mọi người » của Đức Kitô được thể hiện cho chúng ta trong ba chức vụ (Tria Munera) [loan báo, thánh hiến và qui tụ] mà chúng ta được mặc lấy nhờ chính bản chất của chức linh mục. Ba chức vụ này cấu thành toàn thể thừa tác vụ của chúng ta. Nó không phải là nơi vong thân, hay tệ hơn nữa, nơi giản lược ngôi vị của chúng ta vào chức năng nghề nghiệp mà thôi, nhưng là lối diễn tả đích thực nhất việc chúng ta thuộc trọn về Đức Kitô. Ba chức năng này là nơi thể hiện mối tương quan với Người. Đoàn Dân được giao phó cho chúng ta giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo không phải là một thực tại làm chúng ta sao lãng « đời sống mình », nhưng là gương mặt của Đức Kitô mà chúng ta phải chiêm ngắm hàng ngày, như phu quân chiêm ngắm gương mặt của hôn thê, như Đức Kitô chiêm ngắm Hội thánh, Hiền thê của Người. Đoàn dân được giao phó cho chúng ta là con đường chúng ta phải đi để đạt đến sự thánh thiện, nghĩa là con đường nhờ đó Chúa Kitô tỏ hiện vinh quang của Chúa Cha qua chúng ta.

"Nếu người nào làm cớ vấp phạm cho chỉ một người nhỏ bé nhất, thì nó đáng bị đeo cối đá vào cổ và ném xuống biển [...] Ngược lại, những ai đưa cả một đoàn dân đến chỗ hư mất [...], thì nó phải chịu đau khổ đến mức nào và với hình phạt nào nó đáng phải chịu đây?" (Thánh Gioan Chrysostome, De sacerdotio VI, 1.498). Trước nhận thức về nhiệm vụ nặng nề và trọng trách lớn lao đối với cuộc sống và ơn cứu độ của chúng ta, nơi mà lòng trung thành với Đức Kitô gắn liền với "lòng vâng phục" đối với những đòi buộc của việc cứu rỗi các linh hồn, chúng ta không nên để cho có một chút không gian nghi nan nào về ân sủng đã lãnh nhận. Chúng ta chỉ có thể cầu xin cho mình biết dành chỗ rộng lớn nhất có thể cho Tình yêu của Người, để Người hành động qua chúng ta. Bởi vì, hoặc chúng ta để cho Chúa Kitô cứu độ thế giới bằng cách hành động trong chúng ta; hoặc là chúng ta có nguy cơ phản bội lại chính bản chất ơn gọi của mình.

Anh em linh mục thân mến, thước đo lòng tận tâm vẫn là tất cả. Với "năm cái bánh và hai con cá", không có gì đáng kể. Đúng vậy, nhưng đó là tất cả! Ân sủng của Thiên Chúa tạo nên mối Hiệp thông nuôi dưỡng cả đoàn dân từ chính sự nhỏ bé hoàn toàn của chúng ta. Những linh mục già yếu hay đau bệnh tham dự vào "sự tận tâm hoàn toàn" này cách đặc biệt. Các ngài thi hành hàng ngày thừa tác vụ thần linh trong sự kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô và đồng thời hiến dâng cuộc đời linh mục của các ngài cho sự thiện hảo đích thực của Giáo hội và ơn cứu độ các linh hồn.

Sau cùng, nền tảng không thể thay thế của cả đời sống linh mục còn có Mẹ thánh của Thiên Chúa. Mối tương quan với Mẹ không thể gói gọn trong việc thực hành lòng hiếu thảo và sùng kính, nhưng phải được nuôi dưỡng bằng sự tận tâm liên lỉ phó dâng trong vòng tay Mẹ trọn đời đồng trinh tất cả đời sống và toàn thể tác vụ của chúng ta. Rất Thánh Đồng Trinh Maria tiếp tục dìu dắt chúng ta, như thánh Gioan, đến dưới chân thập giá của Con Mẹ và là Chúa chúng ta, để cùng với Mẹ chiêm ngắm Tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa: "Thập giá ngã bóng trên mặt đất, Sự sống của chúng ta, Sự sống thật. Thập giá mang lấy cái chết của chúng ta để tiêu diệt nó bằng Sự sống dồi dào" (Thánh Augustinô, Tự thuật IV, 12).

Thiên Chúa Cha đã chọn lựa chờ đợi tiếng « xin vâng » (Fiat) của một Trinh Nữ trước lời truyền tin của thiên sứ như một điều kiện cho ơn cứu độ của chúng ta, cho sự thành toàn nhân tính của chúng ta, và cho việc Nhập Thể của người Con được thực hiện. Có thể nói rằng, Đức Kitô đã quyết định trao phó cả đời sống của Người cho tự do tràn đầy tình yêu của Mẹ: "Khi đón nhận Đức Kitô và sinh Ngài vào thế gian, khi nuôi nấng Ngài và dâng Ngài trong Đền thờ cho Thiên Chúa Cha, khi đau khổ với Con chết trên thập giá, Mẹ Maria đã đóng góp vào công trình của Đấng Cứu Thế một sự cộng tác tuyệt đối, không thể so sánh, bằng sự vâng phục, đức tin, hy vọng, đức ái mãnh liệt của Mẹ để đem lại cho các linh hồn sự sống siêu nhiên. Chính vì thế, Đức Maria đã trở nên Mẹ chúng ta, trong trật tự ân sủng" (Hiến Chế Lumen gentium, số 61).

Thánh Giáo hoàng Piô X đã khẳng định: "Mọi ơn gọi linh mục đều đến từ trái tim của Thiên Chúa, nhưng qua trái tim của một người mẹ". Điều này đúng với vai trò mẫu tử sinh học, nhưng cũng đúng với "sự hạ sinh" của bất cứ lòng trung thành nào với Ơn gọi của Đức Kitô. Chúng ta không thể thiếu tình mẫu tử thiêng liêng cho cuộc sống linh mục của mình: chúng ta cầu xin sự trợ giúp nền tảng này với đầy lòng tin tưởng phó thác cho lời cầu nguyện của Mẹ Giáo hội thánh thiện, cho tình mẫu tử của Dân Chúa mà chúng ta là những mục tử của họ và họ cũng được giao cho sự canh phòng và sự thánh thiện của chúng ta.

Anh em linh mục thân mến, ngày nay thật là cấp bách phải có "một phong trào cầu nguyện mà trung tâm là việc tôn thờ Thánh Thể liên tục suốt cả ngày, trên khắp cả thế giới, để thường xuyên dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện tôn thờ, tạ ơn, xin ơn và tạ tội, nhằm mục đích chính là khơi dậy đủ số ơn gọi thánh thiện vào chức linh mục, và trong chiều kích của Thân Thể mầu nhiệm, bằng tình mẫu tử thiêng liêng, cũng là để đồng hành thiêng liêng với những ai đã được gọi vào chức linh mục thừa tác và được biến đổi trọn bản thân nên giống vị Thượng Tế Vĩnh Cửu duy nhất, để họ phục vụ Ngài và những người anh em ngày càng tốt hơn, như những người vừa ở trong Giáo hội, vừa vượt lên trước Giáo hội » (x. Gioan Phaolô II, Những mục tử như lòng mong ước, số. 16), khi đại diện cho Đức Kitô là đầu, mục tử và hôn phu của Giáo hội" (Thư của Thánh bộ Giáo sĩ, ngày 8/12/2007).

Tóm lại, có một hình thức bổ sung tình mẫu tử thiêng liêng luôn đồng hành cách âm thầm với gia đình ưu tuyển là các linh mục trong lịch sử Giáo hội: đó là việc tín thác thừa tác vụ của chúng ta vào một khuôn mặt rõ ràng, một tâm hồn tận hiến được Đức Kitô mời gọi, và vì thế chọn hiến dâng chính bản thân mình với những khổ đau cần thiết và những khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống, để chuyển cầu hữu hiệu cho cuộc đời linh mục của chúng ta, và nhờ đó chúng ta luôn sống trong sự hiện diện dịu hiền của Đức Kitô.

Trong tình mẫu tử này tỏ hiện khuôn mặt từ ái của Mẹ Maria. Tình mẫu tử này phải được cầu xin trong kinh nguyện, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể khơi dậy và nâng đỡ. Không thiếu những gương mẫu tuyệt vời trong tình mẫu tử này; chúng ta hãy nghĩ đến những giọt nước mắt tốt lành của thánh nữ Mônica dành cho con ngài là Augustinô, vì người con này mà ngài khóc "nhiều hơn các người mẹ đã khóc vì cái chết của các con của họ" (Thánh Augustinô, Tự thuật III, 11). Một gương sáng hấp dẫn khác là của Eliza Vaughan, người đã sinh ra và dâng cho Thiên Chúa 13 người con, trong số 8 người con trai thì 6 là linh mục, và trong số 5 người con gái thì 4 là nữ tu. Thế nên chúng ta không thể thực sự trở thành những « hành khất » trước mặt Đức Kitô, Đấng ẩn mình cách tuyệt diệu trong mầu nhiệm Thánh Thể mà không biết cầu xin cách cụ thể sự trợ giúp hữu hiệu và lời cầu nguyện của những kẻ Người đặt bên cạnh chúng ta, và họ không ngần ngại phó thác chúng ta cho những tình mẫu tử mà Thánh Thần gợi lên cách mạnh mẽ cho chúng ta.

Trong thư gởi chị Céline, thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã xác tín nhu cầu khẩn thiết phải cầu nguyện cho các linh mục, nhất là những người nguội lạnh: "Chúng ta hãy sống cho các linh hồn, hãy là những tông đồ, nhất là hãy cứu lấy linh hồn của các linh mục [...] Chúng ta hãy cầu nguyện, chịu đau khổ vì họ và ngày sau cùng, Chúa Giêsu sẽ biết ơn chúng ta" (Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, thư số 94).

Chúng ta phó dâng cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Nữ Vương các Tông Đồ, Mẹ rất dịu hiền, và cùng với Mẹ hướng nhìn về Đức Kitô, không ngừng cố gắng để thuộc trọn về Người ; đó là căn tính của chúng ta !

Chúng ta nhớ lại những lời của cha thánh họ Ars, bổn mạng các Cha sở: "Nếu tôi đã bước một chân lên trời mà có người đến nói với tôi hãy trở lại trần gian để làm  cho những người tội lỗi trở lại, tôi sẽ vui lòng trở lại trần gian. Và vì việc này, nếu cần thiết phải ở lại trần gian cho đến tận thế, dù phải thức dậy lúc nửa đêm và phải đau khổ như tôi đau đã khổ, tôi chấp nhận với cả tấm lòng". (FRERE ATHANASE, Procès de l'Ordinaire, p. 883).

Ước gì Chúa hướng dẫn và bảo vệ tất cả và mỗi người trong chúng ta, nhất là những người bệnh tật và những người đau khổ nhất, trong hiến lễ liên lỉ của đời sống vì tình yêu của chúng ta . 

 Hồng y Claudio Hummes, Tổng trưởng.

Giám mục Mauro Piacenza - Tổng Giám mục hiệu toà Vittoriana, Thư ký.

 

 Chuyển ngữ:

Lm. Tôma-Thiện Trần Quốc Hưng

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang

Mục lục

Nguồn ơn cứu chuộc

 

Trong đời sống đức tin đạo Công giáo có ba lễ chính mừng kính mầu nhiệm ơn cứu chuộc của Chúa: lễ Chúa Giêsu Giáng sinh làm người, lễ Chúa Giêsu Sống lại và lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.


Ba ngày lễ trọng này là trung tâm của mầu nhiệm đức tin, mà từ hơn hai nghìn năm nay Giáo Hội Công giáo luôn mừng kính, để nhắc người tín hữu nhớ đến nguồn đức tin chân thật, cùng làm nền tảng cho những lễ mừng kính khác trong năm phụng vụ của Giáo Hội.


Ngoài ba lễ chính mừng kính trọng thể mầu nhiệm ơn cứu chuộc của Chúa, còn có những ngày lễ trọng khác mừng kính diễn tả sức sinh động của mầu nhiệm ơn cứu chuộc nữa. Đó là các ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Chúa Kytô là vua vũ trụ, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.


Lễ mừng Thánh tâm Chúa Giêsu


Ngày lễ kính Thánh tâm Chúa Giêsu được thiết lập trong lịch phụng vụ của Giáo Hội dưới thời đức Giáo hoàng Piô IX.năm 1856.


Lễ kính Thánh tâm Chúa Giêsu có nền tảng nguồn gốc từ con đường linh đạo lòng sùng kính Thánh tâm Chúa Giêsu thời Trung Cổ của các Thánh như Gioan Eudes, Heinrich Seuse, nhất là của Thánh nữ Magaretta Maria Alacoque bên Pháp (1689).


Những vị Thánh này đã suy ngắm, cảm nhận ra bằng con mắt đức tin hình ảnh trái tim Chúa Giêsu bị đâm xuyên qua cạnh sườn lúc Ngài bị treo trên Thánh giá, là dấu chỉ sự hy sinh dấn thân của Chúa Giêsu cho ơn cứu chuộc con người.


Lễ mừng kính này được Giáo Hội ấn định vào ngày thứ sáu thứ ba sau lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, hay một tuần sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Năm nay, lễ mừng vào ngày thứ sáu 30.05.2008.


Ý nghĩa đạo đức thần học


Theo tục lệ người Do Thái, được ghi chép trong sách Đệ Nhị Luật (21,22 …): người bị kết án tử hình không được treo xác qua đêm trên mặt đất, nhưng phải chôn xác họ ngay trong ngày hôm đó.


Ngày Chúa Giêsu Kitô bị kết án đóng đinh trên thập gía là ngày thứ sáu, chiều áp lễ ngày Sabát, một ngày lễ trọng của người Do Thái. Căn cứ theo luật lệ trong xã hội và đạo giáo thời đó, họ đến xem Chúa Giêsu đã chết chưa để còn cho hạ xác xuống. Dù thấy Chúa Giêsu đã chết, nhưng để kiểm soát cho chắc chắc, một anh lính lấy đòng giáo đâm vào cạnh sườn bên trái của Chúa Giêsu. Từ vết thương mở ra đó nước và máu trong trái tim chảy tuôn xuống, một dấu hiệu chắc chắn Chúa Giêsu đã qua đời rồi.


Dòng nước và máu chảy đổ xuống tuôn ra từ trái tim Chúa xưa nay đã là nguồn cảm nhận cho những suy niệm đạo đức. Ngày từ thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu, người ta đã tin tưởng nhận ra trong những dấu chỉ này hình ảnh của Bí tích Rửa tội và Mình Máu Thánh Chúa, có nguồn gốc từ sự chết của Chúa Giêsu.

Thánh Gioan Tông đồ của Chúa, người đã cùng với Đức Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh gía Chúa lúc Chúa bị đóng đinh và tắt thở, cùng hạ xác Chúa xuống, và sau này cũng là người viết Phúc âm thuật lại cảnh tượng này, đã không chỉ thuật lại sự việc nhìn xem tận mắt như nhân chứng, nhưng Ông còn muốn dẫn người đọc tìm lần đến đức tin vào Chúa: Nước và máu từ trái tim Chúa Giêsu hy sinh chịu chết diễn tả hình ảnh dấu chỉ về ơn cứu chuộc.


Nước là hình ảnh dấu chỉ của Bí tích Rửa tội. Thánh Phaolô đã viết về điều này: „Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.“ ( Roma 6,3-4)


Trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã làm phép biến Tấm Bánh và chén rượu thành Mình và Máu Người làm lương thực cho đức tin người tín hữu Chúa: Người hiến mạng sống thân xác mình, cùng đổ máu ra cho con người.


Từ nơi trái tim dòng máu được gạn lọc bơm chuyền đi khắp cùng thân thể mang sức sống cho mọi cơ quan bắp thịt trong con người. Máu Chúa Giêsu tuôn chảy từ trái tim nói lên đầy đủ ý nghĩa Bí tích Thánh Thể là dòng sức sống cho đức tin tâm hồn con người.


Trên Thánh gía trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: Mọi sự đã hoàn tất ( Ga 19,42).


Mọi sự đã hoàn tất trong Bí tích tình thương yêu. Từ trái tim Chúa Giêsu tuôn chảy dòng nước và máu nguồn sự sống ơn cứu chuộc tình yêu thương cho linh hồn con người.

 

LM. Nguyễn Ngọc Long

Mục lục

 

LINH MỤC LÀ NHỊP CẦU GIỮA CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHÚA

Bài Giảng Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục tại Mỹ Tho 20-05-2008

Kinh nghiệm thực tế cho thấy con người sống bằng cơm bánh, nhờ có công ăn việc làm, có tiền bạc. Khó có một cuộc sống xứng đáng, ấm no hạnh phúc, nếu thiếu những yếu tố cần thiết đó. Nhưng con người không dừng lại ở đó, vì nếu chỉ có như vậy, thì tầm thường quá! Mọi sự đều qua đi, người giàu cũng như người nghèo rồi cũng chết.

Con người sinh ra làm người để đi xa hơn, lên cao hơn. Con người sinh ra để tham gia thế giới thần linh, vì được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Con người chỉ hạnh phúc thật sự, khi đạt tới mục đích cuối cùng đó. Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, có xã hội tính, để con người cùng nhau sống hạnh phúc, cùng nhau đạt tới mục đích của đời mình.

Nhưng trong thực tế, tội lỗi đã làm cho con người bị mất gốc, và mất cả hướng đi. Con người không còn biết mình bởi đâu và đi về đâu, nên chỉ loay hoay với cuộc sống trần gian. Làm việc, rồi hưởng thụ; hưởng thụ rồi làm việc. Một thiểu số may mắn làm ít hưởng nhiều, người nghèo thì làm nhiều hưởng ít. Vì lý do đó, con người chưa thể hiện được bản chất của mình, chưa làm người được cách trọn vẹn. Nhiều người vẫn thấy thiếu một điều gì đó mà họ rất mong mỏi và rất cần, dù không biết rõ đó là điều gì. Theo niềm tin kitô giáo, thì đó là sự sống viên mãn, sự sống thần linh mà Chúa Giêsu mang đến cho con người.

Chúa Giêsu đã làm người, chia sẻ hoàn toàn kiếp sống con người, ngoại trừ tội lỗi. Người đã chịu tất cả những nỗi đắng cay của cuộc đời, đã phải đối diện với những kẻ thù hung ác nhất, đã chịu sỉ nhục, vu oan, chịu những cực hình ghê gớm nhất. Người đã bị phản bội, bị từ khước, bị bỏ rơi và chết nhục nhã như một người tử tội. Không ai có thể tưởng tượng nỗi những đau khổ nội tâm của Chúa Giêsu khi Chúa nhìn thấy sự dữ, thần dữ chế ngự lòng người, thấy cái ác thống trị khắp nơi. Người đã lớn tiếng và rơi lệ, dâng lên cho Chúa Cha những lời cầu xin và khẩn nguyện (x. Bài đọc II). Người đã cầu khẩn cho nhân loại, vì đã được Chúa Cha đặt làm Thượng Tế, làm nhịp cầu giữa thế giới thần linh và trần gian.

Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa Cha, và đã được nhậm lời. Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, mang lại niềm hy vọng cho loài người chúng ta. Quả thật Chúa Giêsu Phục Sinh mang đến sự sống viên mãn cho nhân loại; đó chính là Thần Khí Phục Sinh của Người, mà biểu tượng là Hơi Thở. Người đã hiện ra cho các tông đồ và đã trao sứ vụ của Người cho các ông: như Cha đã sai Thầy, Thầy sai các con! Người cũng đã ban Thánh Thần cho các ông. Thật là kỳ diệu vì Chúa Thánh Thần vừa là một ngôi vị Thiên Chúa, vừa là Tình Yêu của Thiên Chúa, là Sự Sống mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận trong sự Phục Sinh và ban lại cho chúng ta. Chúa Thánh Thần cũng là ơn cứu độ, là ơn tha tội mà Chúa Giêsu đã ban cho nhân loại trong Giáo hội và nhờ Giáo hội.

Các con thân mến, làm linh mục là để thông phần vào sứ vụ tông đồ của Giáo hội, tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, làm Nhịp Cầu giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người. Đây là một sứ mạng rất tế nhị, khó khăn, nhưng rất lý thú đối với những người được kêu gọi. Thiết lập tương giao giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau là điều chính yếu của sứ mạng linh mục. Linh mục giúp cho con người tìm lại được cội nguồn của mình là Thiên Chúa, giúp cho con người định hướng lại cuộc đời.

Các con phải biết rõ cội nguồn của mình, không ngừng tiếp xúc với cội nguồn là Thiên Chúa, để có thể nói cho người khác biết về Thiên Chúa. Các con cũng phải biết rõ về con người, thì mới có thể thuyết phục con người. Linh mục phải là người có khả năng mở đường cho các mối tương giao nhân loại. Gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với mọi người, đó là một linh mục lý tưởng. Gần gũi với Thiên Chúa, với Chúa Kitô Phục Sinh, các con sẽ được đầy tràn Thần Khí của Chúa, sức mạnh của Chúa, tình yêu của Chúa, để lôi kéo con người đi lên cùng Thiên Chúa. Gần gũi với con người, thân thiện với con người, thấm đẫm tình người, các con mới thu hút được nhiều người.

Nếu gần gũi với con người mà các con xao lãng tiếp xúc với Thiên Chúa, thì sẽ là một đại hoạ, vì các con sẽ nói những điều mình không biết, kết cuộc là một mớ lý thuyết trừu tượng xa rời thực tế, kèm theo những ràng buộc về luân lý, mà người đời không còn thấy ý nghĩa và không còn muốn theo nữa. Lịch sử Giáo hội cho thấy những linh mục thánh thiện, như cha sở họ Ars, cha thánh Gioan Bosco, càng gần Chúa bao nhiêu, thì càng gần gũi với con người bấy nhiêu. Thế giới hôm nay càng ngày càng bị tục hóa, rất cần tới những con người như thế, những con người thực sự có khả năng làm nhịp cầu giữa Thần linh và trần thế.

Cha hết lòng ước mong các con sẽ là nhịp cầu an toàn giữa Thiên Chúa và Dân Người.

 + Gm. Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BẮC NINH

 

Cách đây đúng 125 năm, ngày 29.5.1883, Tòa Thánh cho thành lập giáo phận Bắc Ninh. Hôm nay, trong ngày lễ ấm cúng tại nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh, chúng ta vừa nghe lời Chúa mời gọi ca ngợi và tạ ơn về những gì Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Tôi rất hân hạnh và vui mừng được cùng với cả cộng đoàn ôn lại những năm tháng đã qua để nhận ra trái tim và bàn tay của Thiên Chúa dành cho giáo phận, và hướng nhìn đến những năm tháng sắp tới để tin tưởng nhìn vào tương lai. Tôi là một đứa con lưu lạc của giáo phận, nên không có tham vọng nói được hết mọi điều cần, chỉ xin chia sẻ một vài tâm tình đơn sơ.

1. Năm 1627, khi hai thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên là cha Pedro Marques và cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là cha Đắc Lộ) đặt chân đến Cửa Bạng Thanh Hoá rồi đến Hà Nội, chắc chắn lúc ấy trên phần đất giáo phận Bắc Ninh hiện nay chưa có một người công giáo nào. 32 năm sau, khi Tòa Thánh thiết lập 2 giáo phận đầu tiên của Việt Nam là Đàng Trong và Đáng Ngoài, sử sách ghi nhận đã có một số giáo dân ở Kẻ Mốt (xứ Đức Trai), Kẻ Nê (xứ Tử Nê) và Kẻ Roi (xứ Xuân Hòa). 20 năm sau nữa, khi giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai là giáo phận Đông (Hải Phòng) và giáo phận Tây (Hà Nội), thì trên phần đất của giáo phận Bắc Ninh hiện nay đã có 3317 giáo dân và 32 nhà thờ, do các cha Dòng Tên coi sóc. Vào ngày giáo phận được thiết lập, có 35 ngàn giáo dân trong 11 xứ và 28 họ, 22 linh mục, 50 thầy giảng và 8 nữ tu Mến Thánh Giá. Hiện nay, giáo phận có 125 ngàn giáo dân trong hơn 50 xứ, hơn 300 họ, do 42 linh mục và một phó tế coi sóc. Theo cách nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, thì đó là một hạt cải nhỏ đã nảy mầm và lớn lên thành một cây to.


2. Trước khi giáo phận được thiết lập, hai trận siêu bão trong thế kỷ XIX mang tên Minh Mạng và Tự Đức tường chừng đã tiêu diệt được cây non ấy từ trong trứng nước, nhưng trái với điều loài người tính toán, Thiên Chúa đã biến sự dữ thành sự lành, đã hội nhập ác tâm của con người vào trong kế hoạch yêu thương.


Năm 1838, ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, quan quân triều đình bao vây xứ Kẻ Mốt, bắt cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, Dòng Đaminh, 42 tuổi cùng với thầy giảng Đaminh Bùi Văn Úy, 26 tuổi, và 3 giáo dân trẻ. Đó là 3 thanh niên nghèo quê ở Thái Bình đến Kẻ Mốt làm thuê. Anh Tôma Nguyễn Văn Đệ 27 tuổi là thợ may, sinh ra và lớn lên trong gia đình công giáo. Chính anh dìu dắt 2 bạn đồng hương đến với Chúa. Anh Augustinô Nguyễn Văn Mới, 32 tuổi, là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, đã theo đạo tại Kẻ Mốt. Anh Têphanô Nguyễn Văn Vinh, 25 tuổi, cùng là nông dân, sinh ra và lớn lên trong gia đình lương dân, thường đi đọc kinh dự lễ nhưng chưa được rửa tội. Cả 5 cha con bị giam tại Lương Tài. Thầy giảng Phanxicô Xavier Hà Trọng Mậu, 38 tuổi, ở họ Nội xứ Kẻ Mốt, đến Lương Tài để dò hỏi tin tức 5 cha con thì bị bắt. Cả 6 cha con bị đưa lên Bắc Ninh giam chung với cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh. Năm ấy cụ 75 tuổi, quê ở làng Vân tỉnh Bắc Giang, suốt đời làm lương y, bị bắt tại bến đò Thổ Hà vào đầu tháng 7. chính trong nhà giam, cha Tự đã rửa tội cho anh Vinh. Vì cả 7 cha con không chịu bước qua Thánh Giá, nên bị kết án tử hình. Ngày 5.9.1838, cha Tự và cụ Cảnh bị xứ trảm. Ngày 19.12.1839, năm chứng nhân còn lại bị xử giảo. Cả 7 chứng nhân đã được tôn phong hiển thánh.


Cuối năm 1859, tức là 20 năm sau, thừa lệnh vua Tự Đức, quan tổng trấn Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên) triệu tập các đầu mục, tức là những giáo dân đứng đầu các họ đạo trong khu vực đến Bắc Ninh, và truyền lệnh của vua phải xuất giáo. Các ngài từ chối, nên bị đánh đập dã man rồi cho biết sẽ bị giam và đánh đập cho tới khi xuất giáo. Trong hơn 2 năm, nhiều vị “thứ mục”, tức là những người giúp việc các họ đạo, cũng bị bắt giam. Do bị tra tấn dã man, một số đã xuất giáo. Có 3 chứng nhân đã chết trong thời gian bị giam giữ và tra tấn. Ngày 4.4.1862, quan tổng trấn Nguyễn Văn Phong ra lệnh chém đúng 100 chứng nhân còn lại, rồi chôn trong hai hố tập thể ở cổng thành. Tiểu đội trưởng Aát, người lương dân, thuộc thành phần đội thi hành án hôm ấy khai: “Quan án sát truyền lệnh cho tôi phải chôn các đầu mục. Khi tới miệng hố mới được đào trước đó không lâu để chôn họ, lính lập tức dùng gươm giáo đâm chém chừng 30 người, nhưng chỉ có 5 hay 6 người bị chém lìa đầu. Lúc ấy viên chánh án ngồi trên cao nói lớn: Đây là phép nước. Phải truy lùng, trừng trị, tiêu diệt chúng. Đẩy chúng xuống hố.” Đại đội trưởng Mẫu, cũng người lương dân, cầm đầu cuộc thi hành án hôm ấy cho biết: “Tôi chỉ huy việc chôn họ. Tôi thấy các đầu mục bị trói, nhưng rất hớn hở đến nơi thụ hình. Họ sốt sắng đọc kinh, nhưng tôi không hiểu họ đọc gì, chỉ nhớ họ đọc lớn tiếng và liên tục. Tôi biết rõ việc họ tới nơi thụ hình. Hôm sau, các hố chôn bị voi giày cho bằng, để nếu ai còn sống sẽ chết mau hơn,” 100 đầu mục tử đạo là một biến cố lịch sử đông tây kim cổ chưa từng có.

 

Chúng ta cũng đừng quên cha thánh Phêrô Almato Bình, Dòng Đaminh, người Tây Ban Nha, từng coi sóc xứ Thiết Nham rồi Tử Nê và Thọ Ninh, cuối cùng đã hy sinh tại Hải Dương cùng với hai thánh giám mục Giêrônimô Liêm và Valentino Vinh tại Hải Dương năm 1861.


Tưởng chừng những biện pháp ghê rợn sẽ làm nhụt chí các tín hữu, nhưng máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh đức tin: giáo phận qua cơn thử thách quyết liệt đã vươn vai lớn mạnh như chú bé huyền thoại làng Phù Đổng.


3. Gần chúng ta hơn, sau khi giáo phận được thiết lập khoảng 70 năm, một thử thách khác không kém gay go mà các bậc cha anh trực tiếp của chúng ta đã trải qua và vượt qua. Năm 1954, giáo phận có 68 ngàn giáo dân, 62 xứ, 413 nhà thờ, 80 linh mục và 28 đại chủng sinh. Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, gần 40 ngàn giáo dân cùng với đại đa số các linh mục và tất cả chủng sinh di cư vào nam. Ở lại giáo phận chỉ còn khoảng 30 ngàn giáo dân, 14 linh mục hầu hết già yếu, 12 thầy giảng và 11 nữ tu Đaminh. Trong tình trạng chiến tranh, và thời bao cấp, hoạt động của các linh mục bị hạn chế tối đa. Đã vậy các chủng viện lại bị đóng cửa. Có lúc giáo phận chỉ còn 1 hay 2 linh mục. Trong gần 30 năm, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nay là Hồng Y, không thể đi thăm các xứ họ, đã dâng lễ trong một phòng diện tích chưa đầy 8 m2. Tại đây, ngài đã âm thầm truyền chức cho một số linh mục trong và ngoài giáo phận, và cả đến phong chức giám mục cho đức cha Đaminh Quảng của Bắc Ninh và đức cha Vinhsơn Dụ của giáo phận Lạng Sơn.. Thiếu linh mục, ngài đào tạo giáo dân lãnh đạo các xứ họ, kêu gọi các cô tận hiến (nay là Tu Hội Hiệp Nhất) tiếp sức. Ngài soạn các kinh và giáo lý Kinh Thánh bằng văn vần để giáo dân dễ nhớ và trẻ em dễ học. Chính đức cố giám mục Giuse Maria trong một thời gian phải hằng ngày đạp xe rời làng trước khi trời sáng, đi 30 km đến toà giám mục để học, rồi lại đạp xe về khi trời đã tối. Mọi sinh hoạt được tập trung tại Tòa Giám Mục. Có những giáo dân nhiều khi phải đi tàu lửa đến ga Yên Viên rồi đi bộ 20 km đến Bắc Ninh dự lễ. Có những người phải đạp xe hàng trăm cây số để được xưng tội hay làm phép cưới. Có những giáo dân phải dùng xe cải tiến đi 70 km chở củi trong đêm tối đến giúp Tòa Giám Mục có chất đốt. Năm 1993, khi tôi đến thăm một họ ở huyện Sóc Sơn, ông trùm đã khóc và cho biết: “Từ tạo thiên lập địa đến nay mới có một cha đặt chân đến đây!” Cũng vào thời điểm ấy, tôi hỏi một nhóm thanh niên nam nữ ở một họ trong tỉnh Bắc Ninh: họ không biết truyện người con hoang đàng hay truyện người Samari nhân hậu Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng. Đã có nhiều người do nhu cầu kinh tế hay vì yếu đuối đã xa nhà thờ, đã rối hôn nhân, đã không dám giữ đạo công khai. Chỉ Thiên Chúa mới biết hết được bao nhiêu cố gắng và hi sinh đến mức anh hùng của hàng ngàn hàng vạn tín hữu, giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ để giáo phận vững bước và tiến lên trong những năm tháng khó khăn ấy.


Đứng về mặt tự nhiên, tình trạng thật bi đát. Nhưng một cây trụi lá như vậy, với quyền năng của Thiên Chúa, vẫn có thể hồi sinh. Và cây ấy đã thực sự hồi sinh. Đó là một cây được trồng bên bờ suối, nên trổ sinh hoa trái đúng mùa.


4. Chín triệu dân sống trên khu vực gần 25 ngàn km2, đó là tình hình giáo phận Bắc Ninh hiện nay. Công cuộc truyền giáo đã có những kết quả nhất định, nhưng cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông. Theo tiêu chuẩn quốc tế bình thường, giáo phận còn thiếu 80 linh mục. Có thể 10 năm nữa giáo phận mới đạt tới tình trạng bình thường là xứ nào cũng có cha coi sóc. Ngoài ra, giáo phận còn thiếu những chuyên gia về Kinh Thánh, về Giáo Luật, về Phụng Vụ, về Thần Học… Bao giờ tất cả các nhà thờ hư hỏng được sửa chữa? Bao giờ thì giáo họ nào cũng có một ngôi nhà thờ để họp nhau cầu nguyện? Bao giờ thì tuần nào cũng có thánh lễ trong tất cả các nhà thờ của giáo phận? Bao giờ thì các cha được nghỉ cuối tuần và nghỉ hè? Bao giờ giáo phận có những cơ sở nuôi dưỡng những người bất hạnh? Bao giờ tỉ lệ tín hữu hiện nay là 1,38 % được nâng lên thành 2%? Những câu hỏi như vậy tuy thật khiêm tốn nhưng vẫn còn khá xa vời.. Phaolô trồng cây, Apollo tưới cây, Thiên Chúa cho mọc lên: tạ ơn Thiên Chúa. Vững tin vào ơn Chúa trong quá khứ, chúng ta hãy can đảm thả lưới theo lệnh Chúa, phần còn lại là làm cho lưới đầy cá nằm ngoài tầm tay của chúng ta, nhưng chính Chúa sẽ bảo đảm. Năm sự vui rồi năm sự sáng, năm sự thương rồi năm sự mừng: đó là qui luật của lịch sử thánh.Giáo phận Bắc Ninh nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Đấng Bảo Trợ hẳn là nắm vững điều ấy. Ngay trong những lúc gay go nhất, giáo phận đã từng cống hiến những người con ưu tú như thánh linh mục Anrê Dũng Lạc cho giáo phận Hà Nội, thánh linh mục Đaminh Cẩm cho Dòng Đaminh. Ngoài ra, giáo phận còn là nơi nương náu cho thánh Giám Mục Giêrônimô Liêm của giáo phận Đông ở Kẻ Mốt, cho thánh giám mục Valentino Vinh của giáo phận Trung ở Hương La. Chúng ta không chỉ có Thánh Gióng, nhưng còn có Chúa Giêsu, không chỉ có Hai Bà Trưng, nhưng còn có Mẹ Maria, không chỉ có Bà Chúa Kho, mà còn có Mẹ Hội Thánh. Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Bắc Ninh là những điểm tựa vững chắc cho toàn thể giáo phận.


Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con ngợi khen và tạ ơn Chúa về tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện cho giáo phận chúng con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp giáo phận chúng con vững bước trên con đường của Chúa Giêsu như Mẹ. Lạy thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin cầu nguyện cho cây đức tin Bắc Ninh mà các ngài đã tưới bằng máu, được lớn lên không ngừng. Cùng với cả giáo phận, chúng con xin thốt lên từ đáy lòng: Tên chúng con đã được ghi trên trời, muôn đời chúng con xin ca ngợi và tạ ơn Chúa. Amen.


Bắc Ninh ngày 29.5.2008

Lm. Cosma Hoàng Văn Đạt

Mục lục

 

TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC TỪ HÍP-RI, ÍT-RA-EN, DO-THÁI


Các từ này trong Kinh thánh, ý nghĩa khác nhau; mỗi từ có một nội dung riêng, chuyển tải một ý tưởng đặc biệt. Vì thế, thiết tưởng nên tìm hiểu ngọn nguồn của những từ đó cho dễ phân biệt ý nghĩa.

I. Híp-ri


Xuất xứ


Híp-ri xuất xứ từ ‘êber (עֵבֶר). Từ này có nghĩa là ở bờ bên kia một con sông (St 50,10), một thung lũng (1Sm 31,7) hay một biên giới (Gs 22,11). Nghĩa gốc của từ này cũng gần như từ nokri (ינָכְרִ) nghĩa là xa lạ, ở bên ngoài. Vì là xa lạ, ở bên ngoài nên dễ làm cho người ta liên tưởng đến di cư. Người di cư là người xa lạ, đến từ bên ngoài. Di cư là nghĩa cũ của từ ‘âbar (עָבַר). Trong các trích dẫn sau đây, thấy dùng từ này: Tl 9,26; St 12,6: Is 8,21. Tuy nhiên, nguyên nghĩa gốc không thôi chưa đủ để xác minh ý nghĩa đích thực của một từ, vì còn phải tùy thuộc ở công dụng của từ đó trong đời sống hàng ngày của dân chúng nữa. Riêng về gốc của từ ‘êber, có ba chỗ trong sách Sáng thế nói tới: St 10,21.24-25; 11,14-17; 14,13. ‘êber ở đây chỉ tên người, còn nghĩa thì như đã nói trên.


Trước thời lưu đầy


Các tác giả sách thánh trước thời lưu đầy, chỉ nói đến người Híp-ri trong một số trường hợp, và thường dùng từ này để chỉ người Ai-cập hay người Phi-li-tinh. Trong 38 lần dùng từ Híp-ri thì 18 lần, Kinh thánh chỉ người Ít-ra-en trong tương quan với các chủ nhân Ai-cập, theo nghĩa chủ tớ. Người Híp-ri phải làm tôi Ai-cập nên coi Ai-cập như “nhà nô lệ” (Xh 13,3.14; 20,2; Dt 5,6; 6,12; 7,8; 8,14; 13,6.11; Gs 24,17; Tl 6,8).


Từ Híp-ri còn chỉ người Ít-ra-en phải làm tôi người Phi-li-tinh (1 Sm 4,6.9; 13,3.7.19; 14,11.21; 29,3). Cuối cùng, ngoài hai trường hợp trong St 14,13 và Gn 1,9 ra, còn từ Híp-ri đều có nghĩa là tôi tớ hay nô lệ (Xh 21,2; Đnl 15,12; Gr 34,9.14): Anh (em) hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai-cập, anh (em) phải giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ này. (Đnl 16,12)


Vậy có thể kết luận rằng từ Híp-ri trước thời lưu đầy chỉ người Ít-ra-en mang thân phận hèn kém, không có liên hệ chi tộc, suốt đời phải làm nô lệ (Xh 21,2-6; Đnl 15,12-18; x Gr 34,9-16)


Sau thời lưu đầy


Chỉ sau thời lưu đầy, qua các bản văn muộn màng trong St 14,13 và Gn 1,9, từ Híp-ri mới mang ý nghĩa khác. Nghĩa này xem ra không trục tiếp phát xuất từ nghĩa có trước thời lưu đầy. Từ đây, từ này dùng để phân biệt người Ít-ra-en thuộc tỉnh bên kia sông Êu-phơ-rát (Euphrate) với người Ít-ra-en sống trong tỉnh của Ba-by-lon, và được gọi là bâblî. Người Ít-ra-en ở bên kia sông Êu-phơ-rát được gọi là ‘ibrî (עִבְרִי), cũng như cùng là người Việt Nam cả, nhưng sau 1975, người ở trong nước thì gọi là người Việt Nam, còn ở nước ngoài thì gọi là Việt kiều. Người Hy-lạp dựa vào tiếng a-ram mà gọi người Híp-ri là Ebraiôs (‘Εβραιος) để chỉ những người Do-thái ở Pa-lét-tin (Gđt 10,12; 12,11; 14,18; 1 Mcb 7,31; 11,13. 15,37; Cv 6,1; 2 Cr 11,12; Pl 3,5)


Nói tóm lại, theo nguyên ngữ, Híp-ri là người ở bên kia sông Êu-phơ-rát, còn nói rộng ra, Híp-ri là một nhóm dân nối kết với dòng tộc Sêm. Sêm là con thứ ba của ông No-ê. Híp-ri là từ chỉ người Do-thái để phân biệt với người Ai-cập (St 39,14-17; 40,15; 41,12; 43,32; Xh 1,15-19; 2,6-13), người Phi-li-tinh hay người nước ngoài (Xh 1,15-19; 2,6-13).


II. Do-thái


Sau thời lưu đầy ở Ba-bi-lon, dân chúng trở về cư ngụ tại miền đất Giu-đa. Họ được gọi là số người còn sót lại của xứ Giu-đa (Gr 40,15; 42,15-19; 43,5; 44,12.14-28; Xp 2,7). Thực ra, đây chỉ còn là một tỉnh hay một quận của Giu-đa và chung quanh là các nhóm dân Ê-đom, Am-mon và Ả-rập.

Người Hy-lạp gọi tỉnh này là Iôudaia (’Ιουδαια) nghĩa là Giu-đa. Xứ này cũng được gọi là xứ của người Do-thái. Con cái Giu-đa, người Giu-đa từ nay được gọi là Do-thái, tiếng Híp-ri là yơhûdî, tiếng Hy-lạp là Iôudaiôs (’Iουδαιος) hoặc “dân Do-thái” như trong các đoạn văn dưới đây: 1 Mcb 8,20-29; 12,6; 15,17; 2 Mcb 11,16-34; Cv 12,11 hay “dân tộc Do-thái”: 1 Mcb 8,23.25-27; 10,25; 11, 30-33; 12,3; 13,36; 15,12; 2 Mcb 10, 8; Cv 10,22, hoặc “cộng đồng Do-thái”: 2 Mcb 15,12;


Vào thời đầu kỷ nguyên Ki-tô giáo, phần đông người Do-thái sống bên ngoài xứ Giu-đa và cả ngoài Pa-lét-tin nữa. Họ là người Do-thái sống ở nước ngoài tức Do-thái kiều. Vì vậy, từ Do-thái trước hết mang ý nghĩa chủng tộc và quốc gia: Gđt 10,3; 1 Mcb 2,23; Cv 16, 1-20; 21,39. Người Do-thái nói tiếng Giu-đa (cũng gọi là tiếng Do-thái): 2 V 18,26; 2 Sb 32,18; Is 36,11-13; Nkm 13,24, hay tiếng A-ram. Nhưng Do-thái kiều lại nói tiếng Hy lạp. Vì thế, người ta gọi họ là Hy-lạp gốc Do-thái: Ga 7,35. Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, kiểu nói “các người Do-thái” thường chỉ giới cầm quyền Do-thái thù nghịch với Đức Giê-su: Ga 1,19; 2,18; 5,10: 7,13; 9,22; 18,12; 19,38; 20,19.


III. Ít-ra-en, Dân của Thiên Chúa


Ngoài kiểu nói “chi tộc Ít-ra-en” để chỉ dân của Giao Ước, còn có những kiểu nói sau đây:


“Dân Ít-ra-en”


Gs 8,33; 2 Sm 18,7; Er 2,2; 7,13; 9,1; Gđt 4,8; 7,10; 1 Mcb 5,60; Cv 4, 10-27: 13,17-24. Đôi khi, dân Ít ra-en còn chỉ các chi tộc phía Bắc Giu-đa: 2 Sm 19,41; 1 V 16,21.


“Ít-ra-en, dân Ta”


Xh 7,4; Đnl 21,8; 26,15; 1 V 6,13; 8,16-66; Mt 2,6; Lc 2,32.


“Cộng đồng Ít-ra-en”


Xh 12,3-6; 19,47; Lv 4,13; Ds 16,9; 32,4; Gs 22,18-20; 1 V 8,5; 2 Sb 5,6. Một đôi khi, cộng đồng Ít-ra-en cũng được gọi là “con cái Ít-ra-en” như trong Gv 50,20.


“Nhà Ít-ra-en”


Xh 16,31; Gs 21,45; Tv 98,3; 115,9.12; 118,2; 135,19; Is 5,7; Gr 2,4; Mt 10,6: 15,24; Cv 2,36; 7,42.


“Con cái Ít-ra-en” hay “người Ít-ra-en”


Hai kiểu nói này được dùng tới chừng trên dưới 680 lần. Ở đây chỉ xin trưng dẫn ba lần tiêu biểu: St 32,33; Xh 1,7; Kh 2,14.


“Dân hay người Ít-ra-en”


Ds 25,8.14; 27,14; 29,9; Gs 9,6-7; 10,24; 1 V 8,2; 1 Sb 10,1-7; 16,3; 2 Sb 5,13.


“Ít-ra-en”

St 48,20; Xh 4,22; 5,2; 9,4; Đnl 4,1; 5,1; 6,3-4; 9,1; 20,3; Br 3,24; 4,4; Rm 11,7. 25-26.


“Trinh nữ Ít-ra-en”


Gr 18,13; 31,4.21; Am 5,2.


Kết luận


Híp-ri, Ít-ra-en, Do-thái là ba từ nói về cùng một nội dung, nhưng ý nghĩa khác nhau. Nội dung là một nòi giống, một dân tộc.


Híp-ri là một nòi giống ở bên kia sông Êu-phơ-rát, Ít-ra-en là một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, và Do-thái là một số người còn sót lại sau khi đi lưu đày về định cự tại Giu-đa. Sau thời lưu đày, họ sống tản mát khắp nơi ngoài nước Giu-đa, làm thành cộng đồng những người Do-thái sống ở nước ngoài (diaspora).

Từ năm 1947, sau Đệ nhị Thế chiến, những người Do-thái sống sót sau thảm họa diệt chủng, tập trung về quê cha đất tổ, lập thành nước Ít-ra-en ngày nay. Bình thường khi nói đến Híp-ri là người ta hiểu về tiếng nói và nguồn gốc chủng tộc. Khi dùng từ Ít-ra-en là có ý nói về dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Khi nói đến Do-thái là có ý hiểu về nguời ở xứ Giu-đa sau thời lưu đàynước Ít-ra-en hay Do-thái ngày nay.


Nói như vây cho gọn và dễ nhớ cũng như dễ phân biệt, khi đọc hay nghe đọc Kinh thánh. Điều này cũng có liên hệ với tiêu đề thư Do-thái hay thư Híp-ri. Nói là thư Híp-ri, thiết tưởng đúng hơn là thư Do-thái, vì hai lý do: một là bản dịch la-tinh Nova Vulgata và các bản dịch các tiếng nước ngoài như Anh Ý Pháp Đức v.v… đều dùng tiêu đề Thư Híp-ri; hai là tiêu đề của thư này nói rõ là Híp-ri (Ebraiôs) chứ không phải Do thái (Iôudaiôs). Đó chính là lý do của bài viết này.


Viết dựa theo tài liệu trong:

* Dictionnaire des noms propres de la Bible, Editions du Cerf –Desclée de Brouwer, Paris 1978, các từ Hébreu, Israel, Juif trang 166, 185, 218.

* Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brépols 2002, trang 378, 643, 718.

 

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP

Mục lục

 

LẠY CHÚA, LẠY CHÚA

 

Ngày 20/02/1942, Edward O’Hare cất cánh từ hàng không mẫu hạm Lexington trong một cuộc bất ngờ tấn công Phát-xít Nhật. Chỉ ít lâu sau anh đã trở nên phi công xuất sắc (hạ được trên mười máy bay địch) đầu tiên của không quân Mỹ trong Thế chiến II. Sau khi tử trận trong một cuộc không chiến, tên anh đã được đặt cho một phi trường lớn ở Chicago, phi trường O’Hare.

Anh là một phi công nổi tiếng, cha của anh cũng nổi tiếng nhưng ở một lãnh vực khác. Ông là Eddie O’Hare, một cộng tác viên đắc lực cho Al Capone, một tên cướp khét tiếng vùng Chicago. Ông rất giàu có nhờ cộng tác với Al Capone nhưng ông cũng đã chết bởi tay Al Capone.

Cái chết của ông là bước ngoặc cho người con trai duy nhất của ông có thể trở nên một anh hùng : Dù sống ngoài vòng pháp luật nhưng ông không hề muốn người con trai đi vào con đường tội ác, ông đã bí mật tiếp xúc với cơ quan công lực để tìm cách loại trừ đảng cướp của Al Capone. Và đảng cướp Al Capone đã hạ sát ông.

Ông đã bị hạ sát, nhưng cái chết của ông lại tràn trề sức sống vì đó là chọn lựa để làm người của ông.

Cuộc đời mỗi người là một hành trình mà giá trị của nó không tuỳ vào những gì họ gặp được trên đường đi mà ở những gì sống trong họ ở mức đến. Đất Hứa hay hạnh phúc đời đời là một vấn đề hiện sinh để làm người của con người : “Đây hôm nay ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ.” (Đnl 11,26)

Sự chúc lành không phải là một điều gì đến từ bên ngoài, hay thuộc về tương lai, mà là vấn đề của con người sống. Nó là mục đích dân Chúa phải tìm kiếm, công việc họ phải thực hiện và là cuộc sống của chính họ : “Các ngươi hãy ghi lòng tạc dạ những lời này, và hãy đeo nó nơi tay như bửu bối và hãy luôn để nó trước mắt các ngươi.” (Đnl 11,18)

Các Thánh vịnh được ví như hơi thở trong cảnh vực thần linh của dân Chúa mà thánh vịnh đầu tiên đã phác hoạ vẻ đẹp của cuộc sống thần linh đó, như một phúc lành : “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ.” (Tv 1,1-3)

Được sai đến để phục vụ sự sống, Đức Kitô đã đến để cho nhân loại “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Sự sống dồi dào Đức Kitô mang đến là sự sống Thiên Chúa. Sự sống đó không thể bị giam cầm trong chữ viết hay lề luật vì “sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tùy thuộc vào lề luật" (Rm 3,21), vì “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6,63).

Chính vì thế Đức Kitô đã nói : “không phải tất cả những ai nói với Thầy : Lạy Chúa , lạy Chúa, là được vào Nước Trời.” (Mt 7,21).

Mahatma Gandhi, một thanh niên Ấn độ, nhờ thời gian du học ở London mà được tiếp xúc với giáo huấn của Đức Kitô. Ông say mê đọc Kinh Thánh, đặc biệt là Tân ước, và Tám mối phúc thật.

Giáo huấn của Đức Kitô đã thực sự biến đổi và làm chủ con người ông. Thế nhưng ông đã không trở nên Kitô hữu vì nhân viên của một thánh đường Kitô giáo đã không cho ông là người da màu bước vào.

Dù vậy, khi trở nên một chính khách ái quốc điều động phong trào đòi độc lập cho Ấn độ, ông luôn theo sát giáo huấn của Đức Kitô để yêu chuộng hoà bình và tôn trọng sự thật.

Thay vì nói Thiên Chúa là sự thật, Gandhi thích nói theo kiểu của ông : “Sự Thật là Thiên Chúa”. Theo ông “Sự Thật là Thiên Chúa có nghĩa là khi bạn tìm kiếm và tôn trọng sự thật, thì sự thật dẫn bạn đến với Thiên Chúa”, và ông nhấn mạnh : “Sự Thật là Thiên Chúa và con đường dẫn đến Thiên Chúa là con đường bất bạo động.” 

Dù không phải là Kitô hữu, giáo huấn của Đức Kitô đã trở nên sức mạnh cho Gandhi để kiện toàn chính bản thân ông và đem lại tự do cho dân tộc Ấn độ. Thế nên năm 1983 tại Giáo hoàng học viện Poona, Ấn độ, cha Ninan Tharakan Anniyil đã trình luận án cử nhân thần học tựa đề “Mahatma Gandhi hay là Kitô hữu không tên”.

Cha viết trong luận án : “Là tín độ Ấn giáo 100% nhưng suốt đời mình, ông Gandhi luôn được hình ảnh Đức Kitô theo sát, và có thể nói – một cách nào đó – ông truyền giảng và thực thi giáo huấn của Chúa”.

Để chứng minh cho điều đó, cha đã trích lại lời Gandhi viết về Nước Trời : “Kinh nghiệm làm cho tôi tin rằng Nước Thiên Chúa ở trong chính chúng ta. Và chúng ta có thể thể hiện Nước Chúa, không phải bằng cách kêu lên : “Lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng bằng cách thi hành thánh ý Thiên Chúa và giáo huấn của Ngài. Vì vậy nếu chúng ta chờ đợi Nước Thiên Chúa như một cái gì đến từ bên ngoài, thì quả thật chúng ta đã lầm đường.”

Không phải là một Kitô hữu nhưng cuộc sống của Gandhi rất gần với Đức Kitô, như thánh Phaolô : “Tôi sống, không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”! (Gl 2,20)

Còn tôi?

Lm. HK

Mục lục

 

ÔNG CHỦ

 

Ba người đi ngang qua qua sa mạc. Một là quan đầu tỉnh, một là thương gia, một là nhà trí thức. Cả 3 bị bọn cướp chặn đường đánh dở sống dở chết và bỏ giữa sa mạc.

May sao họ tìm đến được túp lều của vị ẩn sĩ. Băng bó vết thương cho họ, vị ẩn sĩ nói: túp lều của tôi quá nhỏ mà mùa đông lại sắp đến, xin các ông hãy tự làm cho mình mỗi người một căn lều để trú ẩn. Tuyết bắt đầu rơi và các ông không thể ra khỏi sa mạc được. Nhưng chúng tôi làm thế nào bây giờ ?

Nhà trí thức thở dài : Tôi không có sách vở trong tay.

Thương gia nói : cả đời tôi chỉ biết đến tiền của và giao dịch.

Vị quan lên tiếng : ta làm được gì nếu không có thuộc hạ.

Thế nhưng, cả 3 vẫn phải làm, vì trời sắp đổ lạnh. Khi mùa đông đến cũng là lúc họ làm xong lều. Suốt mùa đông, họ chẳng biết làm gì ngoài ôn lại chuyện cũ bên bếp lửa. Còn vị ẩn sĩ thì thường xuyên ghé thăm họ.

Hết mùa đông, 3 người muốn lên đường trở về nhà, nhưng lòng tốt và tình bạn của vị ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Vì thế, họ ở nán lại một thời gian để giúp ông gieo trồng và chăm sóc gia súc và rồi khi ánh xuân chiếu toả trên sa mạc, họ cũng ở lại một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên.

Một ngày kia, vị ẩn sĩ hỏi, có chuyện gì xảy ra mà sao không nghe thấy các ông nhắc đến chuyện làm ăn, sách vở và những thuộc hạ nữa.

Cả 3 đều thinh lặng. Vị ẩn sĩ nói: trước đây các ông có một ông chủ mang tên tiền bạc, sách vở, thuộc hạ. Giờ không còn nữa, các ông cảm thấy tự do.

Nhưng tôi khuyên các ông nên trở về với tiền bạc, sách vở, thuộc hạ. Nhưng đừng nô lệ cho nó, hãy làm chủ chính mình.

[Sưu tầm]

Nếu xét kỹ từng giai đoạn trong đời, ít nhiều có thể có những ông chủ lớn nhỏ trong ta.

Ông chủ là nguyên tắc và lề luật

Hình ảnh của người Samaria nhân lành giúp đỡ kẻ bị nạn trái ngược lại với những tiến sĩ, tư tế, biệt phái khư khư giữ lấy luật tế tự, cần tránh đụng chạm… cho khỏi ô uế, mà bỏ qua một Thiên Chúa đang hiện diện trong kẻ bất hạnh dọc đường.

Hình ảnh của những người bị quỷ ám, và đủ mọi thứ bệnh được Chúa Giêsu chữa vào ngày sa bát trái ngược lại với những người chủ trương ngày nghỉ thì không được làm bất cứ việc gì, dù là việc tốt, cứu sống, giải thoát.

Hình ảnh của một nhu cầu được giúp đỡ, phục vụ, nhận lãnh các bí tích trái ngược lại với một số lối sống rập khuôn theo chương trình định sẵn trong ngày, và tất cả đều phải tuân thủ thứ tự kế hoạch đã lên.

Hình ảnh của những người con đang cần được chia sẻ, nâng đỡ, gợi mở để có một hướng đi, một lý tưởng đúng đắn trái ngược lại với cha mẹ chỉ áp dụng nguyên tắc cha-con, mẹ-con, mà không phải là bạn, thích răn đe, doạ nạt, thưởng phạt.

Hình ảnh của một tầng lớp cần được hội nhập vào văn hoá, văn minh thời hiện đại trái ngược lại với những người đấu tranh để tầng lớp này phải giữ những lề thói, truyền thống cổ xưa của một gia đình, hay một tập thể dù không còn phù hợp.

Hình ảnh của một số người cần được giải toả ức chế tâm lý trong đời sống tự nhiên của con người trong cộng đoàn tu trì như về thăm gia đình, anh em, bệnh nhân, người qua đời, hay đi du lịch… trái ngược lại với một số quan điểm lấy bình phong là hãy hy sinh, là luật dòng để nghiêm túc phải giữ, phải thực hiện, phải vào khuôn khổ. Vì thế, yếu tố “con người” bị bỏ quên.

Ông chủ là tiền bạc và vật chất

Có tiền mua tiên cũng được. Có tiền làm chuyện gì cũng thuận lợi, dễ dàng. Thử hỏi không có tiền thì làm được gì với mọi nhu cầu của của sống : Học vấn, nghề nghiệp, giải trí, du lịch, văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, y tế, tiện nghi, lễ nghĩa, giao tiếp, tương quan, trao đổi, mua bán, tôn giáo, phục vụ, bác ái, truyền giáo, xây dựng, chia sẻ…

“Mạnh vì gạo bạo vì tiền”. Vật chất trở thành sức mạnh và lực hấp dẫn lôi cuốn con người. Nhờ nó mà con người tự tin, can đảm hơn. Nói năng, phát biểu, quyết định mạnh dạn, nhanh chóng hơn, và, xem ra cũng được nhiều người dễ tin tưởng hơn. Thế rồi, tiền bạc trở thành cây gậy, thành mái nhà che nắng tránh mưa, thành bạn thân, thành thầy, trở thành người cha, thành ông chủ và thành chúa của mình.

Thật nguy hiểm khi con người chỉ dựa vào tiền bạc vật chất như là thước đo sự thành đạt, cho mọi giá trị trong đời sống. Và mọi giá trị đạo đức, luân lý, lương tâm, tình yêu, hạnh phúc và Thiên Chúa đều được quy đổi ra bằng tiền bạc. Tình yêu, ân sủng, bình an, hạnh phúc ư, giá bao nhiêu?

Để thoát khỏi vực thẳm này, Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).

Ông chủ là chức vụ và quyền thế

Tiền bạc hấp dẫn nhiều bao nhiêu, thì chức quyền cũng hấp dẫn nhiều bấy nhiêu. Con người bị lôi cuốn. Nó là chỗ dựa, mà nhờ nó, mọi thứ vinh quang, danh dự, vinh hoa phú quý, thú vui sẽ đến. Rồi nhờ nó mà ta dễ dàng ăn to nói lớn, đôi khi quát nạt, hù doạ, khống chế, chế tài, áp bức người khác.

Nhờ chiếc ghế này, không những bản thân, gia đình mà còn họ hàng được nở mặt nở mày, được giàu sang, sung túc. Ta sẽ trở thành người trên, thành kẻ ban ơn, bố thí. Mọi người phải cậy dựa, phải nhớ ơn và bày tỏ lòng biết ơn tôi.

Cũng vì chỗ ngồi này mà biết bao người tranh đấu, bon chen, khử trừ, mua bán, trao đổi để có được. Vậy, nên ta sẽ tìm cách bảo vệ, lấy lại những gì đã bỏ ra. Nó là một phương tiện để kiếm lợi nhanh và an toàn.

Vì ông chủ này, mà nhiều người nghiêng mình, cúi đầu, rạp gối làm theo mọi thứ điều khiển, đôi khi bất chấp thủ đoạn, mưu mẹo. Vì để giữ chiếc ghế này mà nhiều người bất chấp công lý, nhân cách, nhân phẩm, mặc cho lương tâm kêu la, mặc cho mọi người oán trách, không màng đến biết bao người đang bị hại.

Ông chủ là  kiến thức và bằng cấp

Chưa chắc đi tìm khôn ngoan là một nhu cầu vì thăng tiến, nhưng có thể vì bù trừ.  Vì thế,

Kiến thức trở thành mục tiêu tìm kiếm, là chỗ dựa vững chắc, là cùng đích đời mình.

Bằng cấp là khuôn mẫu chi phối mọi suy nghĩ và hành động trong các tương quan ứng xử với con người, vũ trụ, với Thiên Chúa.

Kiến thức là mặt trời sáng chói thu hút hết thời gian của con người như thể cuộc sống không còn điều gì khác nữa.

Bằng cấp là tiêu chuẩn để nói chuyện, so sánh, đánh giá người khác, cũng như với mọi lãnh vực trong cuộc sống.

Kiến thức và bằng cấp có thể trở thành sức mạnh, thành nguồn hạnh phúc sướng vui nhất của cuộc đời, cho riêng ta.

Ông chủ là đạo đức và số lượng

Tôi không giết người, chẳng trộm cắp, cướp giựt hay ngoại tình.

Tôi không làm chứng gian hay làm hại ai.

Tôi không bỏ lễ Chúa nhật, lễ trọng.

Tôi không bỏ xưng tội rước lễ theo luật buộc năm một lần.

Tôi không bỏ giữ chay 2 ngày một năm.

Tôi đã đọc kinh rất nhiều, lần chuỗi mân côi thì vô kể. Nói chung là tôi luôn có mặt trong các việc đạo đức : thánh lễ, chặng đàng thánh giá, kính lòng thương xót, chầu Thánh thể, dâng hoa… rồi đến quét dọn nhà thờ, vệ sinh môi trường nhà xứ…

Được vậy cũng tốt. Nhưng điều quan trọng không phải là làm nhiều việc đạo đức, mà trở thành người đạo đức. Người đạo đức thì luôn kính sợ, yêu mến và đặt Thiên Chúa làm trung tâm chi phối mọi hoạt động trong cuộc sống của mình.

Không phải cứ làm nhiều việc đạo đức thì trở thành người đạo đức. Nhưng người đạo đức thì luôn chứng minh lòng đạo đức bằng hành động theo sự mách bảo của trái tim tình yêu và kính thờ. Vì mến Chúa yêu người, tôi phục vụ, tham gia các sinh hoạt đạo đức để có thêm ân sủng Chúa, nhờ vậy, đức tin được vững vàng và can trường.

Nguy hiểm khi các việc đạo đức trở thành thước đo để so sánh với người xung quanh. Ai không tham gia như mình là khô khan nguội lạnh. Ai không làm nhiều như mình là lười biếng. Ai không đi đúng giờ, không đọc kinh to như mình là thiếu đạo đức.

Đạo và Thiên Chúa trở thành bình phong để che đậy, khoả lấp tham vọng nâng mình lên hàng đầu, dù là cố ý hay vô tình.

Cuối cùng, Thiên Chúa đáng lẽ phải được thờ phượng, thì ta lại trở thành trung tâm, là khuôn mẫu cho mọi người xem vào, noi theo.

Ông chủ là thói quen và định kiến

Từ bấy lâu nay, trong gia đình đâu có ai kêu ca gì.

Từ trước đến giờ, mọi công việc và nghề nghiệp đều do người lớn chuẩn bị cho tốt lắm.

Từ xưa tới nay, gia đình và dòng họ tôi vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, giao tiếp, cư xử, đi đứng, làm việc và sống như vậy.

Từ nào tới giờ, tư tưởng, quan điểm và lối sống của cả làng là vậy mà.

Cả bao đời nay mọi người vẫn thế, vẫn tốt, có chết chóc gì đâu.

Quả thực mỗi gia đình, thôn xóm, giáo xứ đều có những truyền thống khác nhau và cũng đã duy trì thời gian dài thành một thói quen. Rồi dần nó trở thành một ý thức hệ, một luồng tư tưởng xoay quanh tôi, gia đình tôi, xóm làng tôi. Cái nếp ấy đã đóng khung lại với thế giới, với văn minh. Và cái thói quen ấy trở thành khuôn mẫu để người đời noi theo.

Vì là khuôn mẫu nên phải càng tích luỹ cho nhiều, đầu tư cho chắc, phát triển cho mạnh, chứ làm gì có chuyện từ bỏ để theo cái khác, dù là mới, là hay, là tuyệt vời.

Ta sẽ dễ dàng khoanh tay làm ngơ hay từ chối người khác cùng với mọi sự tốt lành của họ và Thiên Chúa họ thờ.

Chưa kể cái ý thức hệ này biến ta thành kẻ độc đoán, nghi kỵ, định kiến đối với làng xóm khác, với xã hội và con người nói chung. Nó làm cho ta nhìn mọi sự theo một công thức định sẵn trong đầu vốn đã bị nhồi nhét hoặc hấp thụ cái gọi là truyền thống, thói quen ấy.

Những ông chủ như thế này dần biến con người thành cỗ máy. Nên thiếu hội nhập và uyển chuyển, khó du di và hoà hợp, càng khó đón nhận thế giới với tất cả mọi tốt lành và thánh thiện của nó.

Con người sẽ bị mất quân bình, chao đảo hoặc mất đi sự thanh thản, bình an, nếu lệ thuộc vào thứ gì đó không phải là Thiên Chúa. Nếu bị một ông chủ nào đó chi phối, khống chế, cuộc đời ta sẽ mất dần hết ý nghĩa, mất hết chất lượng, mất hết tự do. Và con người sẽ chẳng có thể cảm nhận và đón nhận ân sủng, công lý  từ trời cao, cũng như hạnh phúc niềm vui từ nơi đất thấp.

Hỡi thế nhân, đừng tự đóng khung lại với thế giới, đừng tách mình ra khỏi tình yêu Thiên Chúa,  nhưng hãy mở lòng ra như trẻ thơ đón nhận tình yêu cha mẹ; như phượng hoàng, hãy tung cánh bay cao để ngắm nhìn kỳ công Chúa đã thực hiện cho con người. Nó thật đẹp và hoàn hảo.

Thanh Thanh

Mục lục

 

 

SỐNG  CHỨNG  NHÂN

 

AI KHÔN THÌ DẠI – AI DẠI LÀ KHÔN

 

1. Người phụ nhưng Chúa không phụ

           

Gia đình chị theo đạo Cao Đài, nhưng đến năm 18 tuổi, chị đến với Chúa Jésus Christ trong đạo Tin Lành. Năm 1978, chồng chị đi theo người phụ nữ khác dắt theo đứa con gái mới ba tuổi rưỡi đi vượt biên. Trong tình cảnh mất chồng, mất con, không còn chút tài sản trong tay, thất nghiệp, cha ruột từ bỏ… chị như người bị cắt mất nguồn sống nên nhiều lần đã tự tử. Khi nhận lời lên làm chứng ở nhà thờ Huyện Sĩ và Chí Hoà, chị cho tôi biết : “Kinh nghiệm tuyệt vọng đi tìm giải thoát bằng cái chết con đã nhiếu lần trải qua. Nhảy lầu ba cũng có, uống thuốc rầy cũng đã nếm. Nhưng dường như đã có bàn tay nhiệm mầu, yêu thương nào che chở con cho đến giờ phút này để con vẫn còn hiện diện trên cõi đời này làm chứng cho tình yêu Chúa và Mẹ Maria.”

 

Khi nhảy từ lầu ba xuống đất, chị đã cầu nguyện xin Mẹ cho chị chết yên lành. Nhưng chị bị vướng vào dây điện đường và rớt xuống đè bẹp chiếc xe bán sinh tố ở vỉa hè trước chung cư. Kiếng xe bể hết nhưng chị không bị đâm chỗ nào, không gẫy cái xương nào, không bị chấn thương cột sống và sọ não, chỉ bị ngất xỉu thôi.

 

Nhớ lại lúc đó chị cứ lang thang ở ngoài đường không dám vào nhà thờ Tin Lành, vì nơi đó gợi nhớ cho chị bao kỷ niệm, chị chỉ còn biết khóc than. Tình cờ một hôm đi ngang qua nhà thờ Huyện Sĩ vào giờ Thánh Lễ. Không biết động cơ nào thúc đẩy chị đi vào nhà thờ và được nghe giảng về Đức Mẹ. Chị có được những hiểu biết về Mẹ một cách mới mẻ và chị thấy thương Mẹ, quí Mẹ lắm. Hơn nữa chị và Mẹ cùng có một điểm chung là nỗi đau mất con, vì hôm ấy tình cờ được nghe bài giảng về Đức Mẹ lạc mất Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Chị hiểu nỗi đau, sự hy sinh của Mẹ, và tin Mẹ cũng hiểu chị. Bất giác chị thì thầm:

           

-"Mẹ ơi, xin Mẹ thương giúp con tìm được con của con. Con thích Mẹ lắm mà không biết làm sao theo Mẹ đây?"

 

Ngoài việc ái mộ tính tình, phong cách của người có đạo, chị còn thích tiếng chuông nhà thờ và hình ảnh chuỗi Mân Côi trên tay người có đạo. Khi chị đến với Công Giáo, những người thân trong gia đình rất khó chịu, trách móc chị đủ điều. Nhưng chị trả lời họ nếu không có Mẹ Maria thì chị đã không còn sống đến ngày nay.

 

2. Khổ đau nối tiếp khổ đau

           

Năm 1998, chị phát hiện mình bị khối u xơ đã to ở dạ con. Kết quả xét nghiệm đến với chị như sét đánh ngang tai. Chị hãi hùng, đau khổ. Khi ấy chị đang thực hiện hiến máu nhân đạo cứu người. Chị cầu xin Mẹ cho mình làm được những gì có thể để cứu người, và không điều trị bệnh mình vì không có điều kiện. Vào ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi, chị đến Đại Học Y Dược thành phố làm thủ tục hiến xác sau khi lìa đời. Chị tâm sự : “Cuộc sống của con đã tùy thuộc hoàn toàn nơi Chúa và Mẹ, cho nên con phải sống vốn thời gian ngắn ngủi còn lại cho có ý nghĩa, phải không cha?”

           

Mỗi khi đến với Mẹ, chị luôn cầu xin cho gặp lại đứa con gái đã xa cách lúc mới ba tuổi rưỡi. Đến tháng 3 năm 2000 bất ngờ nhận được tin chồng chị ở Mỹ xin ly hôn và bảo con gái về Việt Nam tìm chị.

 

3. Niềm vui cùng lúc nỗi buồn

 

Vợ chồng đứa con gái gặp chị tại quê nhà trong niềm vui đoàn tụ sau bao năm xa cách. Cô bé giờ đây đã tốt nghiệp Đại Học, đã lập gia đình. Con rể chị là tiến sĩ thần học và là mục sư Tin Lành. Hai vợ chồng quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành người Việt ở Texas với hơn 2.500 tín đồ, và là Phó Quản Nhiệm một Hội Thánh người Mỹ. Vì vậy khi con gái chị thấy hình Đức Mẹ trên bàn thờ thì đem xuống ngay, và bảo chị không thể tôn kính hình tượng đó. Chị buồn bã bảo con:

 

-"Con ơi, nếu không có Đức Mẹ gìn giữ hộ phù thì mẹ không còn sống được đến ngày nay để gặp con đâu."

 

-"Mẹ ơi, vợ chồng con là mục sư, lương người thì 45.000 đô, người thì 25.000 đô. Nếu mẹ đồng ý trở lại đạo Tin Lành, chúng con sẽ bảo lãnh Mẹ qua ở với chúng con. Mẹ không phải lo lắng gì cả. Nhưng nếu mẹ vẫn cứ theo đạo Công Giáo thì chúng con sẽ không giúp mẹ gì hết!"

            Đã bao lâu mòn mỏi, mong ước, khao khát được gặp con mình, thấm thoát đã 22 năm (1978-2000) mà bây giờ gặp lại sao mà éo le, ngang trái quá.

 

4. Chọn lựa trước ngã ba đường

           

Biết chị sống nghèo khổ, nhà ở như ổ chuột trong khu chung cư, con gái chị muốn bảo lãnh mẹ sang Mỹ định cư nhưng phải chị phải dứt khoát với Công Giáo.

 

Chị phân vân trong việc chọn lựa giữa ngã ba đường,  chịu bao dằn xé trong lòng. Hai mẹ con chị đang sống lất lây ở Việt Nam trong căn nhà thuê, làm lụng bữa có bữa không, sức khỏe chị èo uột, đau ốm triền miên không tiền thuốc. Đứa con gái ở với chị không có hy vọng tiếp tục học hành vì tài chánh gia đình cạn kiệt. Nhưng chối bỏ đức tin Công Giáo, chối bỏ Đức Mẹ là điều chị không thể làm được. Trong khi đó, từ họ hàng cho tới bạn bè ai cũng khuyên chị nên đi định cư với con.

 

Khi đứa con gái bị người chồng phụ bạc bắt đem theo, chị đã tự nguyện hiến máu nhân đạo 22 lần để cầu nguyện cho tình mẹ con của chị. Bây giờ hai mẹ con gặp lại nhau để biết rằng chị lại mất con lần nữa. Xót xa, đau đớn ! Chị lại hiến máu thêm 2 lần nữa cho một người đã từng làm khổ, ghét bỏ chị để cầu xin cho quên đi kẻ hãm hại mình. Chị nghĩ rằng một ngày nào đó Chúa sẽ cho chị được chút niềm vui cuối đời. Một cuộc đời mà khổ đau đã quá sức chịu đựng của một con người.

 

Trong lúc hoang mang chưa biết chọn lựa thế nào, chị cầu nguyện giờ Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ, xin soi sáng cho biết chị phải làm thế nào. Nếu đi Mỹ với con thì chị mất Mẹ Maria. Chị không thể tôn kính Mẹ, cũng như không thể lần chuỗi Mân Côi được, vì vợ chồng người con gái chị theo đạo Tin Lành không chấp nhận việc này.

 

Trong lòng chị ngổn ngang trăm mối. Nhưng cuối cùng tình yêu Chúa và Mẹ đã thắng. Chị quyết định ở lại cho dù trước mắt là những khó khăn, thử thách, gai chông, lại thêm nỗi đau vì phải nghìn trùng xa cách đứa con gái yêu quí. Những người biết chuyện đều bảo chị là dại dột, từ bỏ cuộc sống sung túc mà chọn lấy khó nghèo, túng thiếu.

 

Cô con gái đang ở với chị có những ý nghĩ rất lạ. Khi thấy chị đeo nhẫn có những chấm nhỏ để lần hạt, nó cho là mão gai của Chúa: "Mẹ đeo nhẫn mà còn thấy vướng víu khó chịu còn Chúa phải đội mão gai khổ sở biết mấy !"

 

Chị thích Đức Mẹ lắm. Khi còn theo đạo Tin Lành, chị cũng lần chuỗi Mân Côi. Hình ảnh những người Công Giáo đi cầu nguyện trên tay cầm chuỗi Mân Côi đối với chị là một hình ảnh rất đẹp. Các mục sư biết cuộc sống khó khăn của chị khi lựa chọn ở lại Việt Nam, họ ngỏ ý muốn giúp chị sang Mỹ. Khi tôi hỏi chị có bị lung lạc trước lời mời gọi hấp dẫn này không, chị trả lời: "Sự sống của con là do Chúa ban. Nếu không có bàn tay Mẹ che chở thì con đã chết rồi. Bây giờ dù nghèo, nhưng con vẫn sống tốt và không ân hận về lựa chọn của mình"

 

5. Đến với cộng đoàn cầu nguyện

 

Đã hơn ba tháng, mỗi thứ Tư chị đều đến với Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Mễ Du. Chị vẫn cầu nguyện riêng với Đức Mẹ nơi hang đá mấy năm ròng, nhưng được cầu nguyện chung với Cộng Đoàn, chị cảm thấy hạnh phúc và bình an hơn.

 

Những ngày đầu đến cầu nguyện chị bị mệt, muốn ói, muốn bỏ ra sân ngồi vì khối u kéo dài đã mười mấy năm luôn luôn hành hạ chị. Quì không nổi vì 5 đốt cột sống bị gai, rồi còn loãng xương khiến hai đầu gối chị đau nhức.

 

Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra ! Khi đến cầu nguyện ở đây, chị không còn bị đau ở khối u nữa. Khớp gối cũng hết đau. Chị quì gối, leo cao cách nhẹ nhàng.

 

Sau đó, chị bị bịnh đường ruột hành đau liên tục trên 2 tuần. Đuối quá chị đến bác sĩ kiểm tra mới hay u xơ đã teo lại. Ông khuyên chị không nên dùng thuốc khớp nữa, vì khớp đã lành. Ba tuần nay chị không uống thuốc nữa. Chị được nhẹ nhàng phần xác, phần hồn.

 

Để tỏ lòng hiếu kính với Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ, chị nhận lời tôi đi chia sẻ những biến cố đời mình để làm chứng cho mọi người thấy rõ bàn tay Chúa đã đỡ nâng chị, vòng tay Mẹ ôm ấp, bảo an chị trong suốt 54 năm dài.

 

Nhiều người rất xúc động khi tham dự những buổi làm chứng này. Thật sự, chị đã có phần phúc của riêng mình cho người trung tín đến cùng. Điều mà thế gian cho là dại dột, là lựa chọn sai lầm, thì với niềm xác tín vào Lời Chúa, chị biết mình đã đi đúùng con đường Chúa muốn, con đường Thập Giá. Chị không nhìn những lựa chọn đó bằng con mắt loài người, nhưng bằng đôi mắt Đức Tin. Đường thập giá của chị còn dài nhưng chị an tâm vì có Chúa và Mẹ luôn đồng hành với chị.

 

CECILIA NGUYỄN THỊ XUÂN

101/44  ĐƯỜNG SỐ 8  - PHƯỜNG 11 -  QUẬN GÒ VẤP - TP.HCM

Lm. Giuse Trần Đình Long, sss

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

Giảng lễ Hôn Phối :

Đ Ô I Đ Ũ A

                 

 

Đũa đã thành đôi (tục ngữ)

 

 I. LỜI CHÚA.

 

 St 1,27 :  Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

 St  2,24 : Bởi thế,  người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

 Mc 10,6-9 : Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.

 

 II.  HÔN NHÂN VÀ BỮA ĂN.

 

         Khi người nam và người nữ kết hợp với nhau bằng giao ước hôn nhân, họ chính thức tạo lập một gia đình.  Đây là ngày vui và đáng ghi nhớ nhất trong đời họ. Người ta tổ chức tiệc cưới mừng cho đôi tân hôn. Bữa ăn được tổ chức khác nhau tùy theo phong tục từng dân tộc, từng địa phương. Trong bữa ăn, người ta dùng phương tiện nào để ăn cơm ?

 

        * người Tây phương dùng xiên muỗm.

 

        * Người Ấn độ hay dùng tay để bốc cơm cà ri.

 

        * Người Á đông, nhất là Việt nam, người ta dùng đôi đũa để ăn cơm.

 

    Đây là kiểu ăn đặc thù của người Việt.  Dùng đũa thì bao giờ cũng dùng đôi, không bao giờ dùng một chiếc. Dùng đũa là cả một nghệ thuật : cách cầm đũa phải nhẹ nhàng, khoan thai, dẻo dai . Khi gắp món ăn cũng như lúc và cơm, đôi đũa hoạt động nhịp nhàng, cả hai cùng giúp nhau để gắp thức ăn cũng như và cơm.  Việc đôi đũa hoạt động hỗ tương nhau làm cho tôi liên tưởng đến sinh hoạt của vợ chồng.. Đũa bao giờ cũng có đôi, một chiếc đũa không thể gắp, không thể và cơm được, chỉ còn cách là chọc món ăn thôi.

 

 III. TẢN MẠN VỀ ĐÔI ĐŨA.

 

         Khi người thanh niên đến tuổi yêu đương, bao giờ cũng chọn cho mình một người yêu. Sau khi đã tìm hiểu nhau, ưng ý nhau và hứa hẹn lấy nhau, thời gian này người ta dùng một từ ngữ bóng bảy là “đũa đã thành đôi” (tục ngữ).

 

        Tìm hiểu câu tục ngữ “đũa đã thành đôi” trên, chúng ta có một số ý nghĩ về mối tương quan giữa “đôi đũa và vợ chồng”.

 

        1. Đũa phải có đôi.

 

         Câu tục ngữ trên đã nói lên tư tưởng này : dùng đũa thì bao giờ cũng phải dùng đôi, không thể dùng một chiếc để gắp thức ăn cũng như và cơm. Nếu chỉ dùng một chiếc đũa thì chỉ có thể chọc được thức ăn chứ không thể gắp được cái gì.  Khi bà mẹ chồng quá khắc nghiệt với con dâu, nàng dâu phải nói lên lập trường của mình một cách quyết liệt :

 

 

Chồng thương chẳng nệ chi ai

Đũa bếp cho dài, gắp cổ mụ gia.

 

(ca dao)

 

         2. Hai chiếc đều nhau, không so le.

 

         Đũa có thể to nhỏ, dài ngắn nhưng luôn luôn phải bằng nhau. Nếu một chiếc to, một chiếc nhỏ, chiếc dài chiếc ngắn thì rất khó gắp.  Điều này có ý nói : vợ chồng là bạn đường, ngang hàng, cùng đồng hưởng ơn ban sự sống. Tránh cái quan niệm lệch lạc xa xưa như “chồng chúa vợ tôi” hoặc như quan niệm của Nho gia ngày xưa “phu xướng phụ tùy”, chồng nói thì vợ phải làm theo, không được có ý riêng. Người ta coi người phụ nữ là thứ yêu, chỉ như một người tôi tớ được mẹ cha mua về :

                      

Con gái là của người ta,

Con dâu mới thực mẹ cha mua về.

(ca dao)

 

         Chính vì thế, trong cảnh sống” chồng chúa vợ tôi” người phụ nữ chỉ còn than thân trách phận hay trách cha mẹ đã gả bán cho người ta mà không nghĩ đến số phận con gái :

 

Mẹ tôi tham thúng xôi dền,

tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

Tôi đã bảo mẹ rằng đừmg,

mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

Bây giờ kẻ thấp người cao,

như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

(ca dao)

 

        3. Hai chiếc đũa phải xuôi chiều.

 

        Chiếc đũa có hai đầu, đầu lớn và đầu nhỏ. Người ta gắp bằng đầu nhỏ. Nếu gắp bằng một đầu lớn và một đầu nhỏ thì rất khó. dễ để rơi thức ăn. Đây là trường hợp của đôi vợ chồng sống trong cảnh “ông nói gà bà nói vịt”, mỗi người một ý, không ăn khớp với nhau, gây lộn xộn trong gia đình :

 

Sống mỗi người một nết,

Chết mỗi người một tật.

 

        4. Hai chiếc phải thẳng và đều.

 

Đôi khi có thể xẩy ra, một chiếc đũa thẳng, một chiếc đũa cong làm cho việc gắp thức ăn không chuẩn.  Đây là trường hợp của đôi vợ chồng không trung thực với nhau, người ta lén lút đi ngang về tắt, người ta xé rào, người ta có những mối tình trộm vụng bất chính. Nên người ta nói :

 

Chồng ăn chả, vợ ăn nem,

Đứa ở có thèm mua thịt mà ăn.

(ca dao)

 

      5. Giữ cho đũa khỏi mốc.

 

        Ăn xong ngày nào cũng phải rửa, phải phơi khô, nếu không đũa sẽ bị mốc.  Đó là khi vợ chồng không để ý đến nhau, mỗi người nhìn một hướng, không biết lo cho hạnh phúc của nhau, họï sống ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân mình.  Hoặc họ chỉ biết sống cô độc như anh chàng Narcisse trong thần thoại Hy lạp.  Vì thế người ta khuyên vợ chồng :

 

“Hãy rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng

và hãy cưới lại nhau mỗi ngày”.

 

          6. Giữ cho đũa khỏi mọt.

 

        Phải giữ đũa trong tình trạng tốt, đừng để bị mọt. Trong gia đình không thể tránh được cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, có thể xẩy ra những sự bất hoà bùng nổ hay ngấm ngầm.  Sự bất hòa ngấm ngầm rất nguy hiểm, nó cứ âm thầm gậm nhấm tình yêu vợ chồng, mỗi ngày cứ lạnh nhạt dần và có thể trở nên một cuộc chiến tranh lạnh :

 

Lạnh lùng thay láng giềng ơi,

Láng giềng lạnh  ít, sao tôi lạnh nhiều.

(ca dao)

 

        7. Giữ cho đũa khỏi bị gẫy.

Đôi lúc khách đang gắp thức ăn mà đũa bị gẫy thì cảm thấy hơi bị quê, vì đũa làm bằng nhựa rất dòn.  Trường hợp này đã từng xẩy ra.   Ngày nay ta thấy các gia đình lỏng lẻo rất nhiều. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói :”Gia đình là nền tảng của xã hội”.  Nếu nền tảng đã lung lay thì xã hội làm sao đứng vững được. Nhiều nơi có tới 50% hay có nơi tơi 70% các đôi hôn nhân ly dị.  Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì tương lai nhân loại sẽ ra sao ?  Người ta cứ thản nhiên nói :

Đồng tiền chiếc đũa chia ly,

Thiếp đi theo thiếp, chàng đi đường chàng.

(ca dao)

KẾT LUẬN

        Chúng ta vừa cùng nhau bàn về đôi đũa với một số suy nghĩ về cuộc sống vợ chồng.  Hôm nay hai anh chị có thể nói là

Đôi ta làm bạn thong dong,

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.

(ca dao)

        Hãy cố sao giữ cho đôi đũa ấy luôn nguyên vẹn để làm cho bữa ăn trong gia đình được ngon miệng, thêm sức khỏe để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Và chúng ta hãy cầu nguyện :

        Lạy Chúa, khi tạo dựng loài người có nam có nữ, Chúa đã muốn cho cả hai nên một. Hôm nay là ngày lễ thành hôn của anh... và chị...   Xin cho họ được trọn tình vẹn nghĩa với nhau và biết mở rộng lòng yêu thương mọi người để làm chứng cho tình yêu vô biên của Chúa.

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Mục lục

ĐỌC SÁCH

NHẢ DỎM NHÀ THẬT

 Khoảng 7000 ngôi trường bị phá hủy trong trận động đất 7,9 độ richter tại Tứ Xuyên vào buổi chiều hôm 12/5 vừa qua khi các học sinh đang trong giờ học hoặc ngủ trưa.  Hàng ngàn học sinh đã thiệt mạng khi các ngôi trường đổ sập xuống.  Hơn 900 em học sinh bị chôn sống khi ngôi trường trung học 4 tầng tại thị trấn Juyuan sụp đổ trong cơn địa chấn.   

Tại Juyuan, chỉ vài ngôi nhà còn nguyên vẹn nhưng không có công trình nào sụp tan tành như ngôi trường trung học nói trên, dù nó được xây dựng cách đây chỉ 14 năm.  “Vật liệu xấu quá”, một người dân địa phương nói. “Tỷ lệ ximăng và nước không chuẩn.  Lõi thép thì ít.  Cát thì không sạch”.

Đối với các phụ huynh, lý do hàng ngàn trẻ em bị thiệt mạng thật đơn giản: Lòng tham.  Trong buổi lễ tưởng niệm các học sinh xấu số, nhiều phụ huynh đã cầm biểu ngữ: “Bọn trẻ không chết vì thiên tai, nhưng vì các ngôi trường kém chất lượng.”  Các phụ huynh đã trút giận lên đầu các quan chức địa phương và đòi chính phủ phải điều tra nguyên nhân sụp đổ của các trường học.

Báo chí Trung Quốc ngụ ý rằng các nhà thầu xây dựng trên khắp đất nước có thể đã tìm cách tăng lợi nhuận bằng việc sử dụng vật liệu kém chất lượng hoặc cắt giảm nhân công rồi hối lộ để giới chức làm ngơ. 

Mấy năm nay ở nước ta cũng nghe nói nhiều đến những công trình xây dựng chưa làm xong đã lún đã xập.  Điển hình như vụ cầu Cần Thơ năm ngoái.  Phải chăng nền móng không vững vì làm ăn gian dối, hay vì thiếu kinh nghiệm? 

Nếu một trận động đất tương tự xảy ra ở vùng thượng du Bắc Việt, điều gì sẽ xẩy ra cho hàng ngàn ngôi nhà xây cất trái phép và thiếu tiêu chuẩn ở Hà Nội ?  Câu trả lời chắc ai cũng biết.

\Bạn thân mến,

Năm xưa Chúa Giêsu đã khen người khôn ngoan xây nhà trên đá.  Ngài cảnh báo người khờ dại xây nhà trên cát, dễ bị nước lũ cuốn đi khi có bão tới.  Ngày xưa ở Palestin người ta dựng nhà ở các thung lũng vào mùa khô khi mặt đất khô cứng lại trông có vẻ chắc chắn.  Nhưng vì địa thế ở Palestin có nhiều đồi trọc, khi mưa lớn nước chảy thành thác mạnh.  Nếu căn nhà không được gia cố chắc chắn, neo chặt vào đá, đến mùa giông bão nó sẽ bị gió và nước lùa đi mất. 

Nhưng nếu Chúa Giêsu nhìn thấy cách xây nhà của các nhà thầu chạy theo lợi nhuận ngày nay, chắc Ngài cũng chào thua…  Vì dù nhà có được xây trên đá đi nữa, nhưng với vật liệu dỏm thì cũng chẳng tồn tại được với thiên tai, động đất, bão lụt.  Căn nhà trông bề ngoài hào nhoáng đẹp đẽ, nhưng chỉ cần vài năm là xuống cấp ngay.  Xây dựng với vật liệu dỏm, thì trước sau căn nhà cũng sẽ bị tàn phá khi gặp những cơn bão lớn như bão số 6, số 9 đổ bộ vào Việt Nam hồi năm 2007 vừa qua.

Con người trong xã hội đảo điên ngày nay cần phải “sống đạo” hơn là “giữ đạo”.  Trong một xã hội ngày càng đối diện với những thay đổi chóng mặt, những giá trị tinh thần và đạo đức bị gạt bỏ trong một lối sống lo hưởng thụ, thì việc thực hành Lời Chúa càng cần thiết hơn bao giờ hết.  Làm sao người Kitô có thể làm ánh sáng, làm muối men cho thế gian, khi chính mình không đào sâu, cắm rễ vào việc học hỏi Lời Chúa và sống Tin Mừng ?

Chúa Giêsu nói rõ chỉ có những ai thực thi thánh ý Chúa chứ không phải chỉ nói trên môi miệng mới được thừa hưởng Nước Trời.  “Lạy Chúa, Lạy Chúa” thì ai chẳng nói được, nhưng cách họ sống mới đáng kể.  Nhà dỏm thì không thể chống chọi được với thiên tai bão lụt.  Đức tin trên môi miệng thì không thể chống đỡ được với thử thách của cuộc đời.  Ngôi nhà xây trên nền tảng vững chắc với những vật liệu bền bỉ, thì dù mưa to, gió lớn, bão táp vẫn không thể nào làm lay chuyển được.  Lời Chúa không chỉ nghe cho vui tai, không chỉ nói để khoe khoang sự hiểu biết, nhưng Lời ấy phải được thực thi trong đời sống của mình, ngay từ trong gia đình đến nơi làm việc, phố phường, chợ búa.  Nếu cha mẹ không làm gương cho con cái sống thành thật, vị tha, công bằng, bác ái, thì làm sao có thể đòi hỏi con cái mình trở nên người ngay thẳng tốt lành?  Ngoài công trường, làm sao tôi có thể đòi hỏi người thầu khoán xây cất bằng vật liệu tốt khi tôi chèn ép giá lương công nhân rẻ mạt?  Làm sao tôi có thể tức giận nơi phố chợ khi người bán hàng cân thiếu trong khi tôi lại chuyên lắc léo trong chuyện làm ăn buôn bán.  Làm sao tôi có thể đòi hỏi một xã hội công bằng bác ái tốt đẹp ngay khi tôi không sống công bằng vị tha?

Tôi không thể làm môn đệ của Chúa mà không sống và thực thi lời Chúa. Tôi không thể rao giảng lời Chúa chỉ bằng những lời lẽ viễn vông xa lạ.  Tôi không thể nói về thập giá mà lại không kê vai vác thập giá của mình mỗi ngày để theo Đức Kitô.  Tôi không thể theo Chúa, sống niềm tin mà lại không dấn thân, không cố gắng mỗi ngày để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

 Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi cũng như bạn, chúng ta cùng “sống đạo” thay vì chỉ “giữ đạo” hoặc “giảng đạo”.  Lời nói văn hoa hùng hồn không có sức thuyết phục bằng những hành động cụ thể.  Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết ý thức việc sống Lời Chúa, và quyết tâm thực hành Lời Ngài.  Amen. 

Bảo Lộc

Mục lục